“Tôi không nghĩ là phiếu của tôi sẽ ảnh hưởng nhiều. Tôi tưởng kiểu gì chúng ta cũng sẽ ở lại” – một người đàn ông tên Adam trả lời phỏng vấn đài BBC. Dù Adam thổ lộ đang “rất lo lắng”, anh vẫn bị nhiều người chỉ trích trên mạng xã hội vì xem thường lá phiếu và bỏ phiếu cho điều mình không thực sự ủng hộ.
“Hiện thực sáng nay (24-6) thật chấn động. Tôi ước gì mình được bỏ phiếu lần nữa và lần này tôi sẽ chọn khác” – cô sinh viên Mandy Suthi nói với báo Evening Standard. Suthi chọn “ra đi” trong ngày 23-6 và sáng 24-6 “chào đón” cô (cùng toàn nước Anh) bằng việc đồng bảng mất giá chưa từng có trong vòng 30 năm qua.
Suthi nói cả nhà cô bỏ phiếu cho Brexit mà không tính đến hậu quả, đặc biệt là việc Thủ tướng David Cameron từ chức.
Nhiều cử tri chọn "ra đi" đang hối hận. Ảnh: NBC
Tỉnh dậy và hoảng hồn với cảnh nền kinh tế trong nước lẫn các thị trường tài chính toàn cầu tan tác, nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU) vừa hối hận vừa đổ lỗi cho phe “ra đi” đánh lừa họ.
Một số người bày tỏ tâm trạng trên Twitter:
“Tôi bỏ phiếu chọn ra đi vì tin vào những lời dối trá. Tôi hối hận hơn bao giờ hết. Tôi thấy như mình đã bị đánh cắp phiếu bầu” – tài khoản “khembe”.
“Tôi chọn ra đi để giúp kinh tế nước mình. Nhưng đồng bảng đang lao dốc và tôi lập tức hối tiếc” – tài khoản “Ryan Richardson”
“Đang ở cùng các cử tri đã chọn ra đi trên đài BBC. Hầu hết họ nói họ tỉnh dậy với câu hỏi ‘Tôi đã làm gì thế này?’. Họ không thực sự nghĩ ra Anh sẽ rời EU” – tài khoản “Louisa Compton ”
Sự tiếc nuối của nhiều người Anh
Sự bất mãn của phe "ở lại" được thể hiện qua các hashtag như "Not in my name" (tạm dịch: Không nhân danh tôi) và "What have we done" (Chúng ta làm gì thế này) trên Twitter. Nhiều cử tri trẻ tuổi chọn "ở lại" đang đổ lỗi cho cử tri lớn tuổi, theo BBC.
"Không thể hiểu tại sao thế hệ lớn hơn lại được phép điều khiển tương lai của con cái tôi" - tài khoản Twitter Aimee.
"Cảm ơn vì đã bóp nghẹt giới trẻ của đất nước này, những người không thể bỏ phiếu" - tài khoản Chloe mỉa mai.
Theo BBC, nhiều thiếu niên 16, 17 tuổi tỏ ra khó chịu vì không được bỏ phiếu. "Cuộc bỏ phiếu này không đại diện cho thế hệ trẻ nhưng họ lại phải gánh chịu hậu quả" - tài khoản Luke Tansley trách móc.
Đài RT cho hay hàng trăm người đang lên kế hoạch tuần hành chống lại việc rời EU trước trụ sở Quốc hội Anh ở London vào trưa 25-6 (giờ địa phương). Hôm 24-6, cựu Thị trưởng London kiêm thủ lĩnh phe "ra đi", ông Boris Johnson, bị nhiều người bao vây và la ó khi rời quốc hội.
“Điên cuồng” tra Google về EU
Trong khi các thủ lĩnh của phe “ra đi” đang hồ hởi với chiến thắng, nhiều người dân Anh dường như không rõ lắm về điều họ đã làm, theo báo The Washington Post.
Theo thống kê của Google, số lượng tìm kiếm các vấn đề liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý tăng vọt trong ngày 24-6, tức một ngày sau khi nó diễn ra. Một số câu hỏi phổ biến nhất là: Brexit là gì?, Vì sao chúng ta nên ở lại EU?, Vì sao chúng ta nên rời EU?, Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta rời EU?, Những nước nào thuộc EU?...
Tréo ngoe hơn, cũng theo thống kê của Google, “EU là gì?” là câu hỏi được tìm kiếm nhiều thứ hai tại Anh kể từ khi kết quả chính thức được công bố hôm 24-6.
Bình luận (0)