Không lâu sau khi hạ cánh tại khu nghỉ dưỡng Trump Turnberry ở Scotland hôm 24-6, ông Trump lập tức được hỏi về kết quả trưng cầu dân ý tại Anh. Ông trả lời: “Tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời từng xảy ra. Đó là một cuộc bỏ phiếu rất lịch sử”.
Khi được hỏi về tuyên bố từ chức của Thủ tướng Anh David Cameron, ông Trump nói: “Điều đó thật tệ”. Tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau đó, ông Trump nhìn nhận có mối dây liên hệ với Scotland – vùng lãnh thổ có đa số người dân bỏ phiếu kêu gọi Anh ở lại EU. Mẹ của tỉ phú Mỹ, bà Mary MacLeod, sinh tại thị trấn Stornoway – Scotland.
Hồi tháng 1-2016, khoảng 568.000 người đã ký vào kiến nghị kêu gọi chính phủ Anh không để ông Trump bước chân vào nước Anh sau phát ngôn đòi cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ của ông này. Theo BBC, một đơn kiến nghị khác cũng được lập ra kêu gọi chống lại việc “cấm cửa” ông Trump vào Anh đã thu hút được 40.000 chữ ký.
Tờ The Week bình luận sự kiện Brexit (Anh rời EU) đã báo động về khả năng chiến thắng của ông Trump nếu ông chính thức tham gia cuộc đua tổng thống vào tháng 11 tới.
Thứ nhất là sự hiện diện của một số đông người dân giận dữ, sợ hãi.
Các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cảnh báo rời khỏi EU sẽ khiến Anh đối mặt thất bại về kinh tế và an ninh. Những người ủng hộ phe “Ra đi” nghe thấy những lời cảnh báo này nhưng sau cùng họ vẫn bỏ phiếu chọn cách rời khỏi EU.
So sánh với tình hình ở Mỹ, người dân nơi đây cũng đang sợ hãi về khủng bố, di dân... Trong khi đó, ông Trump lại là nhân vật theo đường lối cứng rắn nên ngoài phe ủng hộ thì phe chống đối Trump cũng có khả năng thay đổi ý định và bầu ông làm tổng thống.
Hơn nữa, với tâm lý muốn thấy sự thay đổi, cử tri Mỹ có thể nghiêng về ông Trump bởi dù sao bà Hillary Clinton, ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ, cũng được xem là tiếp nối chính sách của đương kim Tổng thống Barack Obama.
Thứ hai là tâm lý tự xem mình là trên hết, chống người nhập cư, bài ngoại.
Phe “Ra đi” lập luận rằng chủ quyền của Anh bị phá hoại bởi giới cầm quyền EU và họ muốn thấy "nước Anh vĩ đại trở lại". Thị trường mở và biên giới mở dẫn đến những vấn đề phát sinh từ cuộc khủng hoảng di dân. Tại các khu vực miền Bắc nước Anh, cử tri là tầng lớp lao động (giống miền Trung Tây nước Mỹ) cho rằng họ không được hưởng lợi từ 2 yếu tố này. Vì vậy, họ bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU.
Tỉ phú Trump theo đường lối chống nhập cư và cũng luôn tận dụng cơ hội để "thuyết phục" người dân Mỹ về mối đe dọa mà người nhập cư có thể mang lại. Trong tình hình hiện nay, điều này có thể là lợi thế cho ông.
Điều này thể hiện rõ trong tuyên bố của ông Trump hôm 24-6: "Khi tháng 11 tới, người dân Mỹ sẽ có cơ hội tái khẳng định sự độc lập của mình. Người dân Mỹ sẽ có cơ hội bỏ phiếu cho các chính sách thương mại, nhập cư và ngoại giao theo đường lối ưu tiên công dân Mỹ".
Và cuối cùng, đừng quá tin vào các cuộc thăm dò.
Các cuộc thăm dò trước ngày 24-6 cho thấy Anh nhiều khả năng ở lại EU nhưng cuối cùng, kết quả chứng minh điều ngược lại. Cũng như ông Trump hiện tại bị bà Clinton dẫn trước trong các cuộc khảo sát nhưng khả năng “gió đổi chiều” hoàn toàn có thể xảy ra.
Bình luận (0)