Bà May nhận được 325 phiếu ủng hộ và 306 phiếu chống chỉ 24 giờ sau kết quả thảm bại trong cuộc bỏ phiếu tại hạ viện đối với thỏa thuận Brexit.
Sau khi kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm được công bố, bà May tin rằng quốc hội có nhiệm vụ tìm giải pháp cho kết quả trưng cầu dân ý về Brexit hồi năm 2016.
Bà May chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 16-1. Ảnh: AP
Bà May phát biểu ngay phía trước văn phòng trên phố Downing: "Hiện tại các nghị sĩ đã nói rõ những gì họ không muốn, tất cả chúng ta phải cùng nhau làm việc mang tính xây dựng để đưa ra những gì quốc hội muốn. Đó là lý do tôi mời các nghị sĩ từ tất cả đảng phái hợp tác với nhau để tìm cách giải quyết. Giờ là lúc đặt lợi ích cá nhân sang một bên".
Hạn chót nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) là vào ngày 29-3 dù có đạt được thỏa thuận hay không. Với việc chính phủ Anh đang rơi vào tình trạng hỗn loạn về vụ ly hôn với EU, nước Anh có thể đối mặt tình trạng không có thỏa thuận Brexit, tiến trình Brexit bị trì hoãn hoặc thậm chí tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về tư cách thành viên EU của Anh.
Sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng May đã gặp một số lãnh đạo các đảng phái nhưng nhà lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, phe đối lập chính, từ chối đàm phán trừ khi trường hợp "Brexit không thỏa thuận" bị loại trừ.
Sau cuộc bỏ phiếu, các đảng đối lập khác đã đề nghị ông Corbyn ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập và các quan chức chính trị cấp cao khác lo ngại việc trì hoãn Brexit có thể khiến 17,4 triệu người từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit bất mãn.
Trong khi đó, các thành viên khác của EU đã kêu gọi Anh tham gia thảo luận dù cho rằng có rất ít cơ hội thay đổi các điều kiện cơ bản trong thỏa thuận mà bà May đã đàm phán.
Bình luận (0)