Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - dự kiến ký thỏa thuận lập một ngân hàng phát triển quốc tế và một quỹ cho vay khẩn cấp.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Itar-Tass trước thềm hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các nước BRICS muốn thay đổi hệ thống tiền tệ thế giới vốn phụ thuộc vào chính sách của Mỹ.
Đồng thời, ông Putin khẳng định: “Đã đến lúc nâng vai trò của BRICS lên một tầm mức mới” nhưng cho biết Moscow không có kế hoạch hình thành một liên minh quân sự chính trị trên cơ sở BRICS.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14-7
Ảnh: DW
Tổng thống Nga cho rằng từng thành viên BRICS có thể đưa ra quan điểm và bảo vệ quyền lợi riêng trên trường quốc tế nhưng nội bộ nhóm phải có lập trường thống nhất về các vấn đề căn bản.
Dẫn chứng kinh nghiệm tương tác của Nga với Trung Quốc, Tổng thống Putin thẳng thắn: “Nếu không có quan điểm mang tính nguyên tắc của Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria thì nước này đã đi theo kịch bản Libya và Iraq từ lâu rồi”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí Nam Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ “làm tốt hơn vai trò của một cường quốc có trách nhiệm và đẩy mạnh quyền nêu ý kiến của các nước đang phát triển” trong các vấn đề quốc tế.
Hãng tin Reuters nhận định Trung Quốc đang đối mặt với sự nghi ngờ sâu sắc về động cơ của mình, đồng thời BRICS đã nghi ngại Trung Quốc có thể chiếm đoạt ngân hàng dự trữ mới để phục vụ lợi ích riêng.
Bình luận (0)