Thế giới lo ngại trước hiện tượng giá dầu giảm liên tục cũng như trước phản ứng cực kỳ bình thản của Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) mặc dù trong vòng 3 tháng qua giá dầu đã giảm 21,7%.
Giá dầu giảm nhưng 12 quốc gia thành viên tổ chức này không thống nhất ý kiến về sự cần thiết phải giảm sản lượng dầu. Ảnh: ZN.UA
Ngày 10-10, giá dầu đã lần đầu tiên kể từ năm 2010 giảm xuống dưới 90 USD/thùng.
Cuối tuần qua, giá dầu Brent cho tháng 11 giảm xuống đến 87,76 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Đến chiều 13-10, giá dầu ở Nga giảm 2,28%, xuống còn 88,1 USD/thùng trong khi dầu ở Mỹ giảm giá 1,62%, còn 84,38 USD/thùng.
Các chuyên gia nhận định giá dầu càng giảm bao nhiêu, mâu thuẫn giữa các quốc gia sản xuất vàng đen sẽ càng sâu sắc bấy nhiêu.
Venezuela đã yêu cầu OPEC nhanh chóng triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận tình hình trên thị trường dầu mỏ thế giới nói chung và sự sụt giảm giá dầu kỷ lục nói riêng.
Tuy nhiên, Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) không nhận thấy sự cần thiết phải triệu tập phiên họp khẩn cấp lúc này.
OPEC đã lên kế hoạch tổ chức phiên họp vào ngày 27-11 tới.
Trong khi đó, 12 quốc gia thành viên tổ chức này không thống nhất ý kiến về sự cần thiết phải giảm sản lượng dầu.
Đáng chú ý là trong những ngày này, Ả Rập Saudi đã hạ giá dầu thêm nữa cho một loạt khách hàng lớn ở các nước châu Á.
Iran cũng đã có động thái tương tự. Đồng thời, Iran cảnh báo rằng giá dầu sẽ còn sụt giảm mạnh khi OPEC không có một chính sách thống nhất để chỉnh đốn thị trường dầu mỏ thế giới.
Trong khi đó, điều không thể phủ nhận là giá dầu giảm đã làm suy yếu đáng kể giá trị đồng rúp của Nga.
Tính đến trưa 13-10, theo tỉ giá hối đoái trên thị trường Moscow, 1 USD = 40,37 rúp, cao hơn 4 kô-pếch so với phiên giao dịch trước đó, trong khi 1 euro = 51,11 rúp , tăng 26 kô-pếch so với ngày 10-10.
Bình luận (0)