Các nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) hôm 27-12 chính thức triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức). Đây được xem là một bước đi quan trọng đối với liên minh 27 nước với gần 450 triệu dân nhằm chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người trên toàn thế giới, hủy hoại doanh nghiệp và việc làm khiến các nền kinh tế lao đao.
Mỗi quốc gia EU tự quyết định nhóm tiêm chủng ưu tiên, với phần lớn cam kết sử dụng những mũi tiêm đầu tiên cho nhân viên y tế và người lớn tuổi trong các viện dưỡng lão. Nhiều chính trị gia hàng đầu đã xung phong tiêm chủng để chứng minh cho người dân thấy vắc-xin an toàn và hiệu quả.
Đức, Hungary và Slovakia là những quốc gia EU triển khai chương trình tiêm chủng đầu tiên, sớm hơn 1 ngày so với các nước còn lại. Nhân viên chống dịch tiền tuyến tại các bệnh viện ở thủ đô Budapest là những người đầu tiên được tiêm vắc-xin tại Hungary, sau khi quốc gia này nhận được 9.750 liều, đủ để tiêm chủng cho 4.875 người.
Tại Slovakia, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Vladimir Krcmery, một thành viên trong Ủy ban Đại dịch của chính phủ, là người đầu tiên được tiêm phòng, tiếp đến là các đồng nghiệp của ông.
Tại Đức, liều vắc-xin đầu tiên được tiêm cho cụ bà Edith Kwoizalla, 101 tuổi, người đang được chăm sóc tại một viện dưỡng lão ở bang Saxony-Anhalt. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn gọi đây là bước ngoặt "cứu sống sinh mạng" nhưng cũng cảnh báo kế hoạch tiêm chủng mọi cư dân đòi hỏi "một nỗ lực dài hơi".
Cụ bà Edith Kwoizalla, 101 tuổi, trở thành người đầu tiên được tiêm vắc-xin Covid-19 tại Đức Ảnh: AP
Các nước thành viên EU còn lại, như Pháp, Ý, Áo, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha…, khởi động tiêm chủng diện rộng vào ngày 27-12, bắt đầu với nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Ủy viên Ban Chống dịch Covid-19 của Ý Domenico Arcuri cho biết 3 nhân viên y tế tại Bệnh viện Spallanzani, thủ đô Rome, là những người đầu tiên được tiêm chủng. Spallanzani là nơi một cặp đôi đến từ Vũ Hán được xét nghiệm dương tính, trở thành những ca bệnh Covid-19 đầu tiên của Ý. Theo Bộ Y tế Ý, quốc gia của họ đã nhận được khoảng 9.750 liều vắc-xin và dự kiến nhận thêm 470.000 liều trong tuần này.
Trong khi đó, báo The Sunday Telegraph hôm 26-12 trích dẫn kế hoạch của các bộ trưởng Anh cho biết quốc gia này sẽ triển khai diện rộng vắc-xin Covid-19 của Oxford - AstraZeneca từ ngày 4-1-2021. Chính phủ Anh hy vọng có thể cung cấp liều vắc-xin thứ nhất của Oxford - AstraZeneca hoặc Pfizer - BioNTech cho 2 triệu người trong 2 tuần tiếp theo. Cũng theo tờ báo trên, vắc-xin của Oxford - AstraZeneca dự kiến được Cơ quan Quản lý Thuốc uống và Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) phê chuẩn trong vài ngày tới.
Giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot tự tin rằng vắc-xin của họ vẫn sẽ có tác dụng. Mặc dù thừa nhận cần thử nghiệm thêm để bảo đảm, ông Soriot cho biết họ đã phát hiện "công thức chiến thắng" để nâng cao hiệu quả của vắc-xin.
Tuyên bố trên được ông Soriot đưa ra không lâu sau khi Tây Ban Nha, Thụy Điển và Canada trở thành những quốc gia mới nhất ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến biến thể nêu trên, được cho là khởi phát tại Anh và có khả năng lây lan hơn 70% so với thể thông thường.
Bình luận (0)