Đô đốc James Stavridis, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, hôm 19-3 cho biết một số nước thành viên NATO đang lên kế hoạch khẩn cấp cho một hành động quân sự có thể có nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 2 năm qua ở Syria.
NATO lên kế hoạch can thiệp
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng những kịch bản trên vẫn đang được thảo luận trong nội bộ từng nước chứ chưa trở thành một lối tiếp cận chung theo kiểu NATO. Cá nhân ông Stavridis nhận định việc hỗ trợ quân sự cho phe đối lập ở Syria “sẽ giúp phá vỡ bế tắc và lật đổ được chế độ Assad”.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Syria và phe nổi dậy tố nhau về việc đã dùng vũ khí hóa học trong một vụ tấn công làm ít nhất 25 người thiệt mạng ở thành phố Aleppo sáng 19-3 (giờ địa phương). Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc xung đột kéo dài 2 năm qua ở Syria.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói Washington đang xem xét và đánh giá cẩn thận cáo buộc trên nhưng khẳng định không có bằng chứng cho thấy phe nổi dậy đã dùng vũ khí hóa học. Theo ông Carney, cáo buộc trên của Damascus là dấu hiệu cho thấy chế độ Tổng thống Bashar al-Assad đang tuyệt vọng. Ông cũng lập lại cảnh báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng chính phủ Syria sẽ gánh hậu quả nếu vũ khí hóa học được sử dụng.
“Ranh giới đỏ” của Mỹ
Cho đến giờ, cáo buộc về vụ tấn công hóa học nói trên vẫn chưa được kiểm chứng. Một số quan chức Mỹ cho biết không có bằng chứng cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Aleppo. Trong khi đó, ông Hamish de Bretton-Gordon, một chuyên gia về vũ khí hóa học và hiện là giám đốc hoạt động của Công ty SecureBio (Anh), nói với đài CBS News (Mỹ) rằng thông tin trên giống như một chiến dịch tuyên truyền hơn dù ông không rõ liệu đây là chiến dịch của phe nào.
Bài học từ Iraq Bài học từ cuộc chiến Iraq 10 năm trước đã chỉ ra rằng bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Syria, nếu có, phải thật rõ ràng và chính xác trước khi diễn ra bất kỳ hành động quân sự nào. Nếu không, theo báo The Telegraph, thế giới sẽ lại bị chia rẽ giống như những gì xảy ra khi Mỹ và đồng minh phát động cuộc chiến lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein dựa trên thông tin tình báo sai lầm rằng ông ta có vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tay. |
Bình luận (0)