Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng ra mắt một loại tên lửa tầm trung mới – theo hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA – kể từ khi nước này tổ chức cuộc diễu hành quân sự đánh dấu ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành hồi tháng trước.
Đài CNN đã phỏng vấn ông David Schmerler, nhà nghiên cứu đang cộng tác cho Viện Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin và Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở TP Monterey – Mỹ, để phân tích các bức ảnh trong vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên.
Một số chuyên gia trước đó cho rằng tên lửa phóng hôm 14-5 có tên gọi là Hwasong-12. Địa điểm thử nghiệm nằm ở thị trấn Kusong, gần bờ biển phía Tây Triều Tiên.
Tên lửa trong vụ thử nghiệm mới nhất được cho là Hwasong-12. Ảnh: KCNA
Theo ông Schmerler, cho đến nay, đây là vụ thử tên lửa Hwasong-12 thành công đầu tiên mà các nước phương Tây ghi nhận. Dựa vào độ chếch khi tên lửa được bắn lên cao, ông Schmerler nhận định Triều Tiên đã có những bước tiến đáng kể trong khâu thiết kế.
"Nó vượt trội so với các thế hệ trước, nghĩa là chương trình tên lửa đạn đạo của họ đang tăng tốc" – ông Schmerler nói.
Hãng tin KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát vụ phóng tên lửa giống như mọi lần. Trong một bức ảnh, ông Kim được nhìn thấy đang nghiên cứu 1 bản đồ dường như mô phỏng đường bay cũng như điểm rơi của tên lửa - ngoài khơi bờ biển Nga.
Triều Tiên tuyên bố tên lửa đạt độ cao 2.111,5 km và bay xa 787 km. Các nhà phân tích ước tính phạm vi hoạt động của tên lửa có thể lên đến 4.500 km, đủ sức vươn tới căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam, phía Tây Thái Bình Dương.
Ảnh ông Kim Jong-un và tấm bản đồ mô phỏng đường bay tên lửa. Ảnh: Rodong Sinmun
Các hình ảnh công bố trước vụ thử nghiệm chụp tên lửa được sơn màu vàng và đen. Ông Schmerler chỉ ra rằng ăng-ten tích hợp trên đầu tên lửa giúp gửi dữ liệu về cuộc thử nghiệm trở lại mặt đất. "Ăng-ten này tương tự như của tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan có tầm bắn 3.500 km" – ông Schmerler so sánh.
Ngoài ra, tên lửa trong vụ phóng thử hôm 14-5 còn được trang bị động cơ nhiên liệu rắn, nhiều khả năng liên quan vụ thử động cơ của Triều Tiên hồi tháng 3 năm nay. Ông Schmerler cho rằng Hwasong-12 do các kỹ sư Triều Tiên tự thiết kế chứ không phải dựa trên tên lửa Liên Xô.
Tại cuộc diễu hành quân sự hồi tháng trước, Hwasong-12 không xuất hiện. Người ra tin rằng thế hệ tên lửa này dài hơn tên lửa Musudan và phần đầu giống như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) KN-08 của Bình Nhưỡng.
Sở dĩ lần này Triều Tiên phóng tên lửa lên cao bởi theo ông Schmerler, hiệu suất vượt trội của tên lửa có thể khiến nó bay qua lãnh thổ Nhật Bản nếu được phóng theo quỹ đạo thông thường. "Thay vào đó, họ phóng nó lên cao và từ đó có thể tính ra tầm bắn đầy đủ" - ông nói.
Đường bay tên lửa của vụ phóng ngày 14-5, trong đó khu vực điểm rơi nằm ngoài khơi bờ biển Nga. Ảnh: KCNA, Google Earth
Bình luận (0)