xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cá nhiễm độc gây bệnh lạ

Đỗ Quyên

600 tấn thủy ngân mà nhà máy Chisso xả ra vịnh Minamata - Nhật Bản không chỉ hủy hoại cuộc đời hàng ngàn nạn nhân

Nằm bên bờ biển Shiranui yên bình trên đảo Kyushu, phía Nam Nhật Bản, thị trấn Minamata suốt nhiều thế kỷ là một làng chài giản dị, rộn rã tiếng cười và những tiếng hát mang màu sắc của biển. Năm 1907, nhà máy đầu tiên mở cửa tại đây. Đó là nhà máy hóa chất có tên Chisso.

Vịnh “thuốc độc”

Đến năm 1932, Chisso bắt đầu sản xuất acetaldehyde - một thành phần dùng trong công nghiệp sản xuất nhựa. Chất thải hóa chất có chứa thủy ngân hữu cơ (methyl mercury) được xả vào một đường ống mở đi thẳng xuống vịnh Minamata. Khi công nghiệp nhựa tổng hợp bùng nổ, đặc biệt là sau Thế chiến II, lượng thủy ngân xả ra biển của công ty này lên tới 600 tấn.

Vào năm 1956, lượng thủy ngân trong vịnh Minamata đo được đã vượt tiêu chuẩn an toàn 400 lần. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), một số mẫu cá bắt được ở vùng biển ven Minamata vào những năm 1950 và 1960 có lượng thủy ngân cao gấp 500.000 lần so với thông thường.

Hậu quả bắt đầu lộ diện vào những năm 1950. Cá trương phình một cách kỳ quái. Chim biển lũ lượt rớt xuống nước và chết đuối. Những con mèo khỏe mạnh bỗng dưng co giật, lảo đảo và đổ gục - cư dân địa phương gọi là bệnh “mèo nhảy múa”, một số lại có các biểu hiện quái đản như lao xuống biển “tự tử”! Cư dân Minamata cũng có những triệu chứng lạ lùng. Nhiều người la ó mất kiểm soát, nói lắp bắp, run rẩy…

Người mẹ tắm cho đứa con mắc bệnh Minamata Ảnh: LIFE
Người mẹ tắm cho đứa con mắc bệnh Minamata Ảnh: LIFE

Ngày 1-5-1956, ông Hajime Hosokawa - Giám đốc Bệnh viện Shin Nihon Chisso Hiryo, có liên kết với Công ty Chisso - đã báo cáo với văn phòng y tế cộng đồng địa phương về “bệnh lạ liên quan đến hệ thần kinh trung ương” sau khi 4 bệnh nhân rối loạn thần kinh không xác định được nguyên nhân nhập viện. Đây được coi là sự công nhận đầu tiên đối với căn bệnh Minamata thảm họa. Hơn 50 trường hợp tương tự được phát hiện sau đó không lâu và 17 người tử vong.

Một nhà khoa học của Chisso đã bí mật khám phá ra nguyên nhân của căn bệnh lạ này vào năm 1959 bằng thí nghiệm trên những con mèo “nhảy múa”, cho thấy nhiễm độc thủy ngân chính là nguyên nhân. Nhiều nhà khoa học tâm huyết tại Đại học Kumamoto chỉ rõ bệnh ở vùng Minamata là bệnh thần kinh do ăn cá và các loại hải sản bị nhiễm độc thủy ngân từ vịnh Minamata.

Thế nhưng, Chisso vẫn tiếp tục “đầu độc” vịnh Minamata thêm 9 năm nữa, cho tới khi Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nguyên nhân gây bệnh lạ chính là nhiễm độc thủy ngân (làm rối loạn hệ thần kinh trung ương, gây mất thị giác, co giật, bại liệt, dị tật và tử vong). Bệnh lạ lúc ấy mới chính thức được gọi tên là Minamata và nó đã bùng phát tới các tỉnh lân cận.

Trong thời gian ròng rã chờ đợi căn bệnh được xác định, nạn nhân và gia đình phải chịu đựng biết bao tủi nhục vì sự cô lập và ghẻ lạnh của cộng đồng. Thậm chí, việc chôn cất người chết phải thực hiện lén lút trong đêm.

Tác động của thủy ngân đối với những nạn nhân của Chisso đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, phải mất hàng chục năm sau, các nạn nhân của thảm họa này mới được công nhận và bồi thường.

Theo Japan Today, khoảng 3.000 người được chính thức công nhận là “bệnh nhân Minamata” được đền bù với 200.000 USD/người chết, 120.000 USD/người sống sót. Ngoài ra, hơn 2.000 người vẫn tiếp tục đấu tranh để “được công nhận nhiễm bệnh” và 70.000 người khác chỉ được xác định là “bị thiệt hại” nên chỉ được hỗ trợ chi phí y tế. Tổng cộng, Chisso đã bồi thường cho các nạn nhân hơn 80 triệu USD.

Nỗi đau tích tụ

Hàng trăm tấn thủy ngân mà Chisso xả ra vịnh Minamata không chỉ hủy hoại cuộc đời những nạn nhân. Các mối quan hệ xã hội trong thị trấn bị chia rẽ nghiêm trọng. Hàng ngàn công nhân làm việc cho Chisso bị sa thải sau khi công ty bắt đầu làm ăn thua lỗ do vụ bê bối quay sang đổ lỗi, cho rằng những nạn nhân “làm to chuyện” và cướp đi việc làm của họ.

Minamata đến nay vẫn chưa thể phục hồi sau khi mất 4.000 việc làm tại Công ty Chisso và sự khai tử của ngành công nghiệp cá sau khi vịnh bị lấp sau thảm họa. Du khách từng kéo tới đây để tận hưởng một mùa xuân ấm áp và cảnh đẹp nên thơ đã hối hả bỏ chạy vì sợ bị lây bệnh!

Thị trấn đã mất hơn 40% dân số so với thời vịnh Minamata chưa bị đày đọa thành “chén thuốc độc”. Trong bệnh viện, “nạn nhân Minamata” bị bại liệt hay bại não vật vờ chờ chết như những bóng ma. Họ chỉ có thể tự cài cúc áo hay xỏ chân vào giày trong những trung tâm hỗ trợ phục hồi chức năng. Những hình hài bất hạnh vẫn đang đấu tranh trong các tòa án để đòi lại công bằng… Thậm chí, khi giới trẻ Minamata rời bỏ quê hương tới những thành phố khác, họ thường cố gắng che giấu quê quán để tránh bị xa lánh.

“Ở Hiroshima, sự phá hủy và nỗi đau quá rõ ràng ngay khi quả bom nguyên tử trút xuống. Còn ở Minamata, nỗi đau tích tụ và cái chết đến dần dần. Cuộc sống ở đây ngày càng khốn khổ” - Takanori Goto, một luật sư đại diện cho các nạn nhân Minamata, so sánh.

Luật sư Goto khắc khoải: “Những cuộc khủng hoảng môi trường xảy ra sau này như thảm họa rò rỉ khí xyanua ở Bhopal (Ấn Độ) hay nổ lò phản ứng của nhà máy hạt nhân Chernobyl (Liên Xô) có thể gây ra thiệt hại lớn hơn về người và của. Thế nhưng, chúng đều không mang hình ảnh nhức nhối dai dẳng như ở Minamata”.

Tuyệt vọng

Sau 60 năm kể từ khi bệnh Minamata chính thức được công nhận, hậu quả vẫn chưa chấm dứt. Bà Jitsuko Tanaka - 63 tuổi, một trong 4 nạn nhân đầu tiên nhập viện với căn bệnh ban đầu chưa có tên này - đang phải sống dựa vào vợ chồng chị ruột là Ayako Shimoda sau khi cha mẹ qua đời. Vợ chồng bà Ayako cũng là nạn nhân Minamata nhưng ở cấp độ nhẹ hơn. Một người chị em khác trong gia đình cũng mắc bệnh lúc 5 tuổi, nhập viện cùng ngày với bà Jitsuko và đã qua đời sau đó 3 năm.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm căn bệnh Minamata hôm 1-5 vừa qua, bà Ayako cho rằng sự kiện này chính là lời nhắc nhở đối với mọi người rằng sau hơn nửa thế kỷ, sự tuyệt vọng của những nạn nhân vẫn tiếp diễn. Nhắc đến người em gái tội nghiệp, bà không kìm được nước mắt: “Tôi chỉ muốn được nghe Jitsuko gọi “chị ơi” dù chỉ một lần… Chắc tôi sẽ bị trừng phạt khi nói điều này nhưng tôi luôn nghĩ sẽ tốt hơn nếu Jitsuko qua đời trước tôi”.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-7

Kỳ tới: Sơ ý đánh rơi bom nhiệt hạch

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo