Mỹ và Trung Quốc hôm 18-3 kêu gọi giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine nhưng vẫn có quan điểm khác biệt về nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng và vai trò của Bắc Kinh trong việc gây sức ép lên Moscow.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài 2 giờ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng tất cả các bên cần cùng nhau hỗ trợ Nga và Ukraine đối thoại, đàm phán nhằm mang lại kết quả và dẫn đến hòa bình.
Chủ tịch Trung Quốc cho biết thêm Bắc Kinh đã đề xuất một sáng kiến gồm 6 điểm về tình hình nhân đạo ở Ukraine, cũng như sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và các nước bị ảnh hưởng khác.
Trong khi đó, theo tuyên bố của Nhà Trắng, ông Biden nhấn mạnh sự ủng hộ về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, đồng thời cảnh báo về những hậu quả nếu Trung Quốc "hỗ trợ vật chất" cho Nga.
Theo Reuters, Nhà Trắng không nói rõ những hậu quả tiềm tàng là gì hoặc Mỹ định nghĩa thế nào là "hỗ trợ vật chất". Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tỏ ý cho biết dòng chảy thương mại khổng lồ của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm trực tuyến hôm 18-3 Ảnh: REUTERS
Phía Mỹ không cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình phản ứng ra sao trước cảnh báo của ông Biden. Song, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích việc sử dụng biện pháp trừng phạt như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng, đồng thời bày tỏ nỗi lo về tác động của nó đối với sự ổn định toàn cầu và sinh kế của hàng tỉ người.
Theo Chủ tịch Trung Quốc, những ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục đối thoại và đàm phán, tránh gây thương vong cho dân thường, ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo, ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt. Ngoài ra, Bắc Kinh cho rằng Mỹ và NATO nên đối thoại với Nga để giải quyết mấu chốt của cuộc khủng hoảng Ukraine và giải tỏa lo ngại về an ninh của cả Moscow và Kiev.
Nhận định về cuộc hội đàm trên, Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) cho rằng khả năng Mỹ và Trung Quốc hợp tác tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine là không cao. Không những thế, theo Reuters, một nỗi lo của Washington lúc này là Bắc Kinh có thể giúp Moscow tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Trong bối cảnh hội đàm vẫn chưa mang lại kết quả đột phá cho đến giờ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19-3 lên tiếng kêu gọi cuộc đàm phán hòa bình toàn diện với Nga. Theo ông Zelensky, giờ là lúc hai bên tiến hành các cuộc đàm phán có ý nghĩa và thực chất về hòa bình và an ninh.
Trước đó một ngày, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm riêng biệt với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz về tình hình Ukraine.
Trao đổi với ông Scholz, ông Putin nhấn mạnh Moscow sẵn sàng tìm kiếm giải pháp trong các cuộc thương thảo với Kiev. Ngoài ra, ông Putin còn cho ông Macron biết về cách tiếp cận của Moscow đối với một thỏa thuận tiềm năng nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Theo đài NHK (Nhật Bản), hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã thúc giục ông Putin đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn tức thì ở Ukraine. Riêng Thủ tướng Scholoz còn kêu gọi tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột càng sớm càng tốt.
Trước nỗi lo của hai nhà lãnh đạo trên, ông Putin nhấn mạnh các lực lượng vũ trang Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt đang làm mọi điều có thể để bảo toàn tính mạng dân thường. Không dừng lại ở đó, ông chủ Điện Kremlin còn cáo buộc chính phủ Ukraine đang làm mọi cách có thể để tìm cách trì hoãn hòa đàm và đưa ra các đề xuất "ngày càng phi thực tế".
An ninh lương thực bị đe dọa
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) hôm 18-3 cho biết khoảng 6,48 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa bên trong Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24-2. Ngoài ra, 3,2 triệu người đã rời Ukraine để tránh giao tranh cho đến nay.
Cùng ngày, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc tuyên bố đã huy động nguồn cung thực phẩm cho khoảng 3 triệu người tại các khu vực diễn ra giao tranh ác liệt ở Ukraine. Tuy nhiên, WFP dự kiến cần 590 triệu USD để tài trợ các hoạt động của mình trong 4 tháng.
Ngoài ra, WFP cảnh báo tình trạng gián đoạn nguồn cung thực phẩm đang đe dọa hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Ukraine, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực toàn cầu. Ông Jakob Kern, một giám đốc của WFP, nhận định Nga và Ukraine chiếm gần 30% sản lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới.
Vì vậy, việc hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn có thể đẩy giá mặt hàng này lên cao, vượt khả năng chi trả của hàng triệu người nghèo. Giá lúa mì đã tăng gần 25% kể từ ngày 21-2, khiến WFP tốn thêm 70 triệu USD cho các chương trình viện trợ thực phẩm của mình hằng tháng. Theo ông Kern, số tiền này đủ để WFP hỗ trợ thêm 4 triệu người.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)