Có nhiều dấu hiệu cho thấy thêm nhiều công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc sau ngày 1-9 tới, thời điểm dự kiến Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. "Nếu mức thuế mới của Mỹ có hiệu lực vào ngày 1-9, căng thẳng gia tăng có thể sẽ đẩy nhanh xu hướng di dời mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay" - ông Kenneth Jarrett, cố vấn cấp cao của Albright Stonebridge Group, công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại Washington DC, nhận định.
Trong suốt một thời gian dài, Trung Quốc là nhà sản xuất được lựa chọn với chi phí thấp, quy định đơn giản. Tuy nhiên, khoảng 40% các công ty Mỹ đang chuyển ít nhất một phần nguồn cung nào đó ra khỏi Trung Quốc, theo khảo sát của Phòng Thương mại Thượng Hải tháng 5-2019.
Tạp chí Forbes nhận xét Trung Quốc là một viên ngọc quý của các công ty đa quốc gia Mỹ. Ngay cả trước khi nước này trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Mỹ đã vạch ra chính sách để khiến Trung Quốc mở toang cánh cửa trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ của Mỹ. Tất cả mọi thứ, từ giày thể thao Nike đến đồ chơi Happy Meal, đều được sản xuất tại Trung Quốc, thường là bởi các công ty con của các tập đoàn, công ty Mỹ hoặc các liên doanh - nơi công ty Mỹ có vị trí đáng kể.
Khoảng 200 công ty Mỹ có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Ảnh: WIONEWS
Khoảng 50% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ thực sự là hàng xuất khẩu của các công ty thuộc sở hữu nước ngoài hoặc liên doanh với người Mỹ. "Vì vậy, khi thuế quan được áp dụng cho tất cả mọi mặt hàng vào tháng tới, hơn một nửa số công ty sẽ chịu gánh nặng này là các công ty đa quốc gia... Các công ty có thể di dời. Khi mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỉ USD còn lại của Trung Quốc có hiệu lực, nó sẽ đánh vào các mặt hàng tiêu dùng cho đến nay chưa bị đụng đến" - ông Dennis Yang, chuyên gia kinh tế tại Trường ĐH Virginia, cho biết.
Trước đây, theo trang Nikkei Asian Review, hơn 50 tập đoàn đa quốc gia đã công bố kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc đang xem xét thực hiện. Hơn nữa, theo số liệu hồi tháng 7-2019, 67% các công ty châu Âu cũng chuyển cơ sở ra khỏi Trung Quốc.
Theo báo Washington Post, nhiều công ty trong số này nhắm đến việc xây dựng lại chuỗi cung ứng của họ ở nước ngoài, chủ yếu ở Đông Nam Á, thay vì chuyển hoạt động về Mỹ, như Tổng thống Donald Trump thúc giục. Chẳng hạn như Nintendo, gã khổng lồ về trò chơi điện tử Nhật Bản, đã chuyển hướng sản xuất bảng điều khiển Switch nổi tiếng của họ ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam - theo báo Wall Street Journal. Google đã chuyển sản xuất bo mạch chủ Cloud và một số sản phẩm nhà thông minh Nest sang Ðài Loan và Malaysia. Hewlett-Packard và Dell đều có kế hoạch di dời các khối sản xuất máy tính cá nhân sang Đông Nam Á. Ngoài ra, Apple được dự đoán chuyển hướng sản xuất iPhone đến Ấn Độ và Việt Nam.
Thực tế là cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc nhắm đến nhiều mục đích. Các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra không chỉ ở Nhà Trắng, mà cả cơ quan tình báo và quốc phòng Mỹ đều hướng đến ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á. Một trong những mục đích là sắp xếp lại chuỗi cung ứng, giúp các công ty Mỹ ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc trong hoạt động sản xuất của họ.
Bình luận (0)