Sóng gió đã nổi lên tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu đang diễn ra ở Copenhagen (Đan Mạch) sau khi một dự thảo thỏa thuận do nước chủ nhà đề xuất bị rò rỉ và vấp phải phản ứng giận dữ từ các nước đang phát triển.
Sóng gió nổi lên tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) sau khi các nước đang phát triển
phản ứng giận dữ với một bản dự thảo thỏa thuận của nước chủ nhà. Ảnh: Getty Images
Báo The Guardian (Anh) cho biết các nước đang phát triển chỉ trích thỏa thuận nói trên sẽ trao cho các nước giàu thêm quyền lực, đồng thời gạt vai trò của Liên Hiệp Quốc ra khỏi tất cả các cuộc thương thảo sau này.
Ngoài ra, thỏa thuận này cũng bị hiểu là đã đặt ra những hạn chế không công bằng về mức khí thải trên mỗi đầu người tại các nước đang phát triển và phát triển vào năm 2050. Điều này có nghĩa là người dân tại nước giàu được phép thải khí nhiều đến gấp đôi so với người dân tại các nước đang phát triển.
Ông Lumumba Stanislas Dia Pin, phái viên người Sudan đang đảm nhận vị trí chủ tịch G77 (nhóm 130 nước đang phát triển, bao gồm 2 nước thải khí hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ), cho hãng tin AFP biết rằng bản dự thảo thỏa thuận là “một sự vi phạm nghiêm trọng, đe dọa sự thành công của tiến trình thương thảo tại Copenhagen”.
Ông cho biết: “Các thành viên G77 sẽ không rời khỏi cuộc thương thảo bởi không thể chấp nhận một thất bại của hội nghị. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không ký một thỏa thuận không công bằng. Chúng tôi không thể chấp nhận một thỏa thuận sẽ khiến 80% dân số thế giới chịu thêm nhiều tổn thất và bất công”.
Không chỉ G77, các tổ chức và nhà hoạt động môi trường cũng phản ứng giận dữ với bản dự thảo đề xuất mà họ cho là quá có lợi cho nước giàu trong những vấn đề quan trọng là hạn chế khí thải và hỗ trợ tài chính.
Trong nỗ lực xoa dịu những phản ứng giận dữ, bà Connie Hedegaard, người chủ trì hội nghị, cho biết đây mới chỉ là một văn bản không chính thức nhằm thăm dò dư luận.
AFP nhận định rằng tranh cãi nói trên một lần nữa bộc lộ sự rạn nứt sâu sắc tại hội nghị mà mục tiêu của nó là ngăn chặn thế giới thoát khỏi những thảm họa có thể gây ra bởi tình trạng toàn cầu ấm dần lên.
Cái giá của một thất bại tại hội nghị Copenhagen đã được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nêu bật hôm 8-12 thông qua một báo cáo mới cho biết thế giới đang ở trong thập kỷ nóng nhất kể từ năm 1850. Ngoài ra, Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud còn cho biết năm 2009 có thể là 1 trong 5 năm nóng nhất kể từ thời điểm 1850.
Bình luận (0)