Lạm phát tại Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua hồi tháng 11 khi giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao trước thềm cuộc họp về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh vào ngày 15-12 (giờ địa phương). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,1% trong tháng 11 so với cùng kỳ, tăng từ mức 4,2% hồi tháng 10.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters ước tính CPI Anh tăng 4,7% trong tháng 11. Theo đài CNBC, Ngân hàng Trung ương Anh dự báo lạm phát sẽ chạm mức 5% vào mùa xuân năm 2022 trước khi giảm về mức mục tiêu 2% vào cuối năm 2023.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) nhóm họp trong ngày 15-12 để quyết định về chính sách tiền tệ. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh lạm phát tăng vọt và thị trường lao động vẫn còn mạnh mẽ.
Ông Richard Carter, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Công ty Quản lý đầu tư Quilter Cheviot (Anh), cho rằng: "Thật không may đối với người tiêu dùng là lạm phát có thể đạt đỉnh trong vài tháng tới. Dữ liệu CPI hôm nay sẽ gia tăng áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh và thúc giục họ nâng lãi suất. Tuy nhiên, BOE có thể chờ đến năm 2022 mới hành động khi chưa thể chắc chắn về những bất ổn do biến thể Omicron gây ra đối với kinh tế cũng như rủi ro tái áp đặt biện pháp kiểm soát".
Người dân mua sắm trong khu thương mại ở TP New York - Mỹ hôm 13-12. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng công bố thay đổi chính sách trong ngày 15-12 để mở đường cho đợt tăng lãi suất đầu tiên vào năm tới. Trước đó, các thị trường dự đoán FED sẽ đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chương trình mua trái phiếu, thay đổi thời gian kết thúc từ tháng 6-2022 lên tháng 3-2022.
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày hôm 15-12, FED nhiều khả năng thừa nhận lạm phát không còn là vấn đề tạm thời và giá cả tăng có thể là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã nhảy vọt 6,8% trong tháng 11 và có thể sẽ tăng cao trong tháng 12. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 được công bố cũng tăng kỷ lục 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Rick Rieder, Trưởng bộ phận về đầu tư thu nhập cố định toàn cầu tại Tập đoàn BlackRock (Mỹ), nhận định việc FED chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng lúc này đã là chậm trễ.
Theo chuyên gia này, FED sẽ có thể đánh giá rõ hơn lạm phát dai dẳng đến mức nào và liệu đại dịch Covid-19 có tiếp tục là rủi ro đối với kinh tế toàn cầu vào năm sau hay không.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng chứng kiến phiên giao dịch ảm đạm trong bối cảnh các nhà đầu tư theo dõi diễn biến liên quan đến biến thể Omicron và những bất ổn về thị trường bất động sản Trung Quốc, cũng như triển vọng các ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu sắp đưa ra biện pháp kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tháng 11 đã tăng 3,9% so với một năm trước, giảm so với mức tăng 4,9% trong tháng 10. Con số này thấp hơn mức kỳ vọng là 4,6% trong cuộc thăm dò của Reuters.
Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Quản lý đầu tư Pinpoint Asset Management, cho rằng sự suy giảm hơn nữa trong tiêu dùng nội địa là do chính sách không khoan nhượng của Trung Quốc nhằm kiểm soát dịch Covid-19, sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản và chính sách thắt chặt tài chính.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã hạn chế rót tiền kích thích nền kinh tế và có những hành động dè dặt hơn trong bối cảnh lạm phát gia tăng và các nước khác thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.
Bình luận (0)