Trong bài viết hôm 19-12, đài BBC cho biết Bắc Kinh đã mua hoặc chuẩn bị một số tàu phá băng - bao gồm tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân – để thiết lập các tuyến đường mới vận chuyển hàng hóa thông qua các thềm băng ở Bắc Cực.
Đặc biệt, Bắc Kinh đang nhòm ngó đến Greenland – quốc gia tự trị do Đan Mạch kiểm soát - như một trạm dừng hữu ích trên "con đường tơ lụa vùng cực".
Greenland được đánh giá là quan trọng đối với Mỹ - quốc gia hiện duy trì một căn cứ quân sự rộng lớn tại Thule ở cực Bắc.
Bắc Kinh đang nhòm ngó đến Greenland. Ảnh: BBC
Theo đài BBC, cả Đan Mạch lẫn Mỹ đều tỏ ra quan ngại khi Trung Quốc thể hiện sự quan tâm đối với Greenland – vùng lãnh thổ lớn thứ 12 thế giới.
Greenland có diện tích gấp 10 lần nước Anh, gồm 2 triệu km2 đá và băng. Tuy nhiên, dân số của khu vực này chỉ vỏn vẹn 56.000 người, gần bằng dân số của một thị trấn ở Anh. Do đó, Greenland là vùng lãnh thổ có mật độ dân số ít nhất trên trái đất. Khoảng 88% cư dân bản địa là người Inuit (Eskimo); trong khi hầu hết những người còn lại là người Đan Mạch.
Trong những năm qua, Mỹ và Đan Mạch không đầu tư nhiều vào Greenland nên thủ đô Nuuk gần như không mấy phát triển.
Hiện tại, người ta chỉ có thể đáp máy bay đến Nuuk bằng những chiếc máy bay cánh quạt nhỏ. Tuy nhiên, trong vòng 4 năm tới, mọi chuyện dự kiến thay đổi.
Greenland có diện tích gấp 10 lần nước Anh, gồm 2 triệu km2 đá và băng.Ảnh: BBC
Chính phủ Greenland đã quyết định xây dựng 3 sân bay quốc tế lớn để tiếp nhận các máy bay chở khách lớn và Trung Quốc đang đấu thầu hợp đồng xây dựng.
Thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao Greenland từ chối nói về quan điểm của chính phủ đối với Trung Quốc nhưng cựu Thủ tướng Kuupik Kleist bình luận rằng điều đó sẽ tốt cho Greenland.
Tuy nhiên, người phát ngôn của đảng Venstre trong chính phủ liên minh Đan Mạch Michael Aastrup Jensen thẳng thắn cho biết họ không muốn để Trung Quốc vào sân sau của mình.
Nhiều quốc gia phát hiện đầu tư của Trung Quốc mang lại lợi ích cho nền kinh tế Trung Quốc nhiều hơn là cho họ. Và ở một số nơi như Nam Phi, đã có những phàn nàn rằng sự can dự của Bắc Kinh khiến tình hình tham nhũng trầm trọng hơn.
Mặc dù vậy, ông Kuupik Kleist lập luận Nuuk cần tiền và đơn giản là Trung Quốc chính là nước có thể mang lại nguồn tiền lớn cho Greenland.
Bình luận (0)