Luisel Ramos được xếp vào hàng siêu mẫu ở Uruguay. Cũng giống như mọi siêu mẫu khác, cô có thân hình rất gầy. Cái chết đột ngột của cô rơi đúng vào thời điểm chính quyền địa phương và các nhà tổ chức biểu diễn thời trang ở một số nước châu Âu băn khoăn về ảnh hưởng của những người mẫu có thân hình quá gầy đối với giới trẻ. Họ chịu sức ép của các nhà dinh dưỡng học và các nhà xã hội học, theo đó do bắt chước những siêu mẫu “siêu gầy”, nhiều cô gái mới lớn đua nhau làm ốm bằng cách nhịn ăn, dẫn tới chứng biếng ăn hoặc ăn vô độ, suy sụp sức khỏe, thậm chí quẫn trí mà tự tử.
Nhịn đói đến chết?
Lý giải thế nào đây cái chết của Luisel Ramos? Câu trả lời đầu tiên và sớm nhất đăng trên báo Country ra ngày 3-8-2006 là của ông Luis Ramos, cha của Luisel. Theo tờ báo này, ông Luisel có nói với cảnh sát: “Luisel nhịn đói mấy ngày trước”. Tuyên bố của ông Luis được xem là một lời tố cáo mạnh mẽ nhất nhắm vào các công ty người mẫu luôn luôn đòi hỏi nhân viên phải tuân theo một chế độ ăn uống nghiêm ngặt vì “gầy mới đẹp”. Nhật báo Daily Mail, xuất bản tại Anh, cho biết thêm, trong 3 tháng liền, Luisel chỉ ăn xà-lách trộn, rau xanh và uống nước Coxca dành cho người ăn kiêng.
Luisel Ramos |
Cũng theo Parati, vào ngày 6-8-2006, biên bản pháp y chính thức kết luận: Chết đột tử do trụy tim. Tuy vậy, nguyên nhân nào gây ra trụy tim thì không rõ. Người ta cố tình phớt lờ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo đó khoảng 5% đến 15% những người mắc chứng biếng ăn hoặc ăn vô độ dẫn đến trụy tim.
Trong khi đó, nguồn tin chết vì nhịn ăn đã lan truyền đến các trung tâm thời trang quốc tế ở châu Âu như Tây Ban Nha, Anh, Pháp...; ở Nam Mỹ như Colombia, Mexico, Paraguay, thậm chí ở Úc. Khách sạn Radisson Victoria Plaza ở thành phố Montevideo, nơi diễn ra tuần lễ thời trang nói trên, nhận được dồn dập hàng loạt yêu cầu cung cấp thêm thông tin về cái chết của Luisel Ramos từ các nước vừa kể.
Chuyện 8 năm trước
Không phải bây giờ mà từ năm 1998, giới bác sĩ Anh đã chỉ trích kịch liệt những người mẫu “siêu gầy”. Đài BBC cho biết tại hội nghị thường niên tổ chức tại Cardiff tháng 7-1998, hội đoàn y tế Anh đã ra một nghị quyết lên án giới truyền thông cổ vũ những siêu mẫu “siêu gầy” mà không để ý đến sức khỏe của giới trẻ. Cựu bộ trưởng y tế, bác sĩ Muriel Broome, khẳng định: “Hình ảnh những người mẫu “siêu gầy” khuyến khích các cô gái trẻ ăn uống phản khoa học dẫn tới rối loạn ăn uống. Chúng tôi yêu cầu báo chí tỏ ra có trách nhiệm hơn và đăng nhiều hình ảnh các thiếu nữ đầy đặn hơn”.
Cũng tại hội nghị trên, bác sĩ Ian Bogle ở Liverpool đã làm cử tọa xúc động khi ông kể lại câu chuyện con gái ông đã vật lộn với chứng biếng ăn như thế nào. Ông cho biết 10 năm trước, con gái ông là một thiếu nữ tuổi đôi mươi yêu đời. Nhưng từ khi bắt chước những cô gái chân dài gầy ốm, con gái ông đã nhịn ăn. Từ 57,6 kg, trọng lượng con gái ông tụt xuống còn 32 kg! Kèm theo sút cân là suy nhược thần kinh và mất cả tự tin. Việc này không những làm cho con ông rơi vào trạng thái tuyệt vọng mà gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi cảm giác tội lỗi, vô vọng và mất niềm tin. Ngay cả ông là bác sĩ đa khoa cũng bất lực không giúp gì được cho con.
Rất may là sau đó gia đình ông đã tìm thấy sức mạnh đoàn kết giúp đỡ con gái ông vượt qua cơn khủng hoảng. Bác sĩ Bogle nhấn mạnh: “Có nhiều người không được may mắn như chúng tôi. Trong những trường hợp bế tắc, người mắc bệnh biếng ăn tự tử hoặc ly hôn là không phải hiếm. Tôi có thể nói với quý vị rằng quan niệm cho rằng chỉ có ốm mới hấp dẫn và gợi cảm được tuyên truyền ra rả trên các phương tiện truyền thông đại chúng là một yếu tố quan trọng góp phần phát triển chứng biếng ăn trong giới trẻ”.
Rau, táo mỗi ngày
Một bệnh khác không kém phần nguy hiểm là ăn vô độ. Do nhịn ăn, khi cơn đói lên đến cực điểm, các cô gái bắt đầu ăn vô độ. Rồi sợ mập, họ lại làm ốm bằng cách lạm dụng thuốc lợi tiểu và nhuận trường. Petra Nemcova, người mẫu gốc Czech vừa thú nhận trên tạp chí People rằng cô phải thường xuyên dùng thuốc nhuận trường để giữ thân hình thanh mảnh theo yêu cầu của ngành công nghiệp thời trang nếu không muốn bị mất việc.
Người đẹp Petra, 27 tuổi, tỏ ra lo lắng: “Tôi chỉ dám ăn rau, cà rốt, cà chua. Để có chất đạm tôi chỉ ăn táo chớ không dám rớ đến chất carbonhydrat như đường, chất xơ và tinh bột. Tôi cũng uống thuốc nhuận trường”. Petra thừa nhận trời sinh cô có thân hình tròn trĩnh nhưng do ăn uống quá kiêng cữ như vậy nên giờ đây rất gầy, thuộc hạng “size 0” như trong giới thường gọi. Cô cho biết phải làm như thế vì “nghề nghiệp nó bắt buộc như thế”.
Bảng thống kê của WHO cho biết Mỹ, Nhật, Đức, Brazil và Canada là 5 nước có người chết nhiều nhất trên thế giới do hậu quả của chứng biếng ăn và ăn vô độ, gọi chung là rối loạn ăn uống.
Như thế, giới khoa học đã gióng lên tiếng chuông báo động gần một thập niên nay nhưng mãi đến bây giờ mới có một Madrid mạnh dạn dùng biện pháp hành chính để chấn chỉnh lại hình ảnh những người mẫu thời trang. Trong khi đó những cuộc tranh luận tiếp tục nổ ra trên các phương tiện truyền thông thế giới.
Bình luận (0)