Ngày 24-9, người Đức nhiều khả năng một lần nữa bầu bà Angela Merkel làm thủ tướng, trao cho nữ chính trị gia này nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp. Nếu không có gì thay đổi, bà sẽ nắm giữ đỉnh cao quyền lực cho tới năm 2021. Điều duy nhất cần được xác định thông qua cuộc bầu cử này là ai sẽ liên minh với Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel để cầm quyền.
Với tỉ lệ ủng hộ dành cho bà Merkel thường trên 50%, thậm chí còn chạm mức 54%, trong những cử tri độ tuổi 18-21, CDU sẽ cần một đối tác liên minh. Kịch bản khả dĩ nhất tiếp tục là một đại liên minh giữa CDU và Đảng Dân chủ Xã hội do ông Martin Schulz dẫn đầu.
Ông Schulz và bà Merkel đã tham gia cuộc tranh luận duy nhất giữa các ứng viên trên truyền hình hôm 3-9. Do chính sách của hai đảng không khác nhau nhiều, 20 triệu người Đức mở tivi hôm đó ít nhất cũng hy vọng được chứng kiến màn đấu khẩu nảy lửa. Thay vào đó, cuộc tranh luận chứng tỏ ông Schulz vẫn thiếu sức hút để thách thức bà Merkel một cách hiệu quả.
Nếu Đảng Dân chủ Xã hội không chịu liên minh, bà Merkel sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Đảng Xanh nhưng vấn đề môi trường có thể gây tổn thương chính trị cho bà. Trong 3 năm qua, ngành công nghiệp ô tô của Đức đã bị lún sâu trong bê bối tiêu chuẩn khí thải động cơ diesel. Hậu quả là các nhà sản xuất ô tô Đức phải đối mặt những khoản phạt hàng tỉ USD của các cơ quan quản lý khắp châu Âu và Bắc Mỹ, nhiều quan chức bị sa thải trong khi niềm tin vào ngành này lung lay nghiêm trọng. Ngành ô tô mang lại 1/7 số công ăn việc làm, doanh thu năm 2015 trị giá 385 tỉ euro và chiếm 14% GDP.
Đảng Xanh cùng các đồng minh đang kiểm soát nhiều thành phố và thị trấn, trong lúc gần 100 hội đồng đô thị đang tìm kiếm một lệnh cấm hoàn toàn đối với xe hơi động cơ diesel ô nhiễm. Một lệnh cấm như vậy sẽ là đòn giáng mạnh tức thì đối với ngành ô tô chủ lực của Đức.
Nhà lãnh đạo nữ quyền lực nhất thế giới còn đối mặt sự bất mãn với quyết định mở cửa biên giới Đức vào mùa hè 2 năm trước đó và tiếp nhận nhiều người tị nạn từ Syria. Trong cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp nêu trên, Thủ tướng Merkel nói bà không hối tiếc về quyết định đó và sẽ lặp lại nếu cần thiết.
Trong khi đó, đảng cực hữu Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) cũng có bước tiến tại những thành phố và thị trấn nhỏ hơn, lợi dụng tâm lý sợ người Hồi giáo để lôi kéo người ủng hộ. Lịch sử nước Đức đã cho thấy mối đe dọa thực sự của các đảng cực hữu. Hiến pháp nước này có một điều khoản, theo đó một đảng phải thắng 5% phiếu trên toàn quốc trước khi có thể vào Bundestag (còn gọi là hạ viện trong quốc hội liên bang lưỡng viện).
Điều khoản này nhằm ngăn chặn những nhân vật cực đoan chen chân vào quốc hội. Tuy nhiên, hiện có những dấu hiệu rất rõ ràng về khả năng AfD sẽ đáp ứng được ngưỡng nêu trên trong cuộc bầu cử sắp tới.
Poster của bà Angela Merkel và ông Martin Schulz cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, trên một con đường ở TP Essen Ảnh: AP
Trong trường hợp bà Merkel đắc cử, bên thất bại chính là Thổ Nhĩ Kỳ và khát vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cháy bỏng từ lâu của nước này. Ankara và Berlin đang vướng vào một cuộc tranh cãi ngoại giao liên quan tới vụ bắt giữ các công dân mang 2 quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành nhằm vào chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mùa hè năm 2016. Cuộc khẩu chiến giữa hai bên ngày càng khó coi và dường như có rất ít khả năng quan hệ sẽ sớm ấm lên.
Trong cuộc tranh luận nêu trên, bà Merkel cho biết tại cuộc họp vào tháng 10 tới, bà sẽ khuyến nghị các nhà lãnh đạo EU khác ngừng bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối. Đối với ông Erdogan, tin này khó có thể gọi là mới mẻ! Lá đơn (xin gia nhập EU) của Ankara phủ bụi đã lâu ở Brussels kể từ khi nó được đệ trình lần đầu tiên ngày 14-4-1987. Ba thập kỷ trôi qua, nó được thay đổi rồi đệ trình, đi từ hết bàn này tới bàn khác, rồi lại thay đổi và đệ trình một lần nữa.
Về mặt chính trị, rất ít người muốn đất nước có đa số dân theo đạo Hồi này gia nhập EU. Nếu nhìn vào làn sóng chống Hồi giáo ở các nước Trung Âu và Balkan nổi lên trong suốt cuộc khủng hoảng người tị nạn từ 2 năm trước, đề xuất của bà Merkel về việc đình chỉ tiến trình xét đơn gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được sự ủng hộ hiển nhiên ở Ba Lan, Hungary và CH Czech. Mỉa mai thay, đây lại là những nước đang bị chính EU xem xét xử lý vì từ chối triển khai hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn đã được nhất trí trước đó.
Phần tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tị nạn bắt nguồn từ một thỏa thuận giữa EU và Ankara. Thỏa thuận này cho phép các khoản tiền từ EU đổ vào các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, công dân Thổ Nhĩ Kỳ được miễn thị thực trong khu vực Schengen, đồng thời quá trình xem xét Ankara là thành viên EU được tăng tốc. Đúng là tiến trình xử lý đơn xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã được tăng tốc tới gần... thùng rác của Brussels nhất.
Đừng lấy làm bất ngờ nếu Thủ tướng Merkel thực sự thực hiện tuyên bố rằng bà sẽ tiếp nhận người tị nạn từ khắp nơi một lần nữa. Với sự kiên định hiện nay của nữ thủ tướng trong việc chặn đứng đơn xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, khó có thể nghi ngờ gì về việc thỏa thuận nhằm ngăn dòng người tị nạn đổ tới châu Âu nêu trên rồi cũng sẽ bị bỏ vào thùng rác gần nhất.
Bình luận (0)