Từ "bạn bè" và "tình hữu nghị" không xuất hiện trong chương trình tranh cử mới nhất - mang tên "Vì một nước Đức mà chúng ta sống tốt và hạnh phúc" – của bà Merkel và lãnh đạo đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer hôm 3-7.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters
Cách đây 4 năm, trong chiến dịch tranh cử của đảng liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), Mỹ được đề cập như một "người bạn quan trọng nhất" của Đức bên ngoài châu Âu.
Chương trình tranh cử năm 2013 cũng mô tả "tình bạn" với Washington là "nền tảng vững chắc" trong các mối quan hệ quốc tế của Berlin và nói về việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế xuyên Thái Bình Dương thông qua dỡ bỏ rào cản thương mại.
Chương trình tranh cử của liên minh đảng CDU/CSU có đoạn: "Thời đại mà chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy vào những người khác ở một mức độ nào đó đã là quá khứ. Người châu Âu phải nắm lấy số phận của mình một cách dứt khoát hơn so với trước đây". Mặc dù khẳng định cam kết của Đức đối với liên minh quân sự NATO, chương trình tranh cử cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần phải có khả năng tự bảo vệ mình nếu muốn tồn tại lâu dài.
Sự thay đổi từ ngữ mô tả cho thấy mối quan hệ giữa Berlin và Washington đang xấu đi kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump từng nói rằng bà Merkel "hủy hoại" nước Đức bằng các chính sách di cư mà ông mô tả là "điên rồ".
Ông Donald Trump cũng nhiều lần lên án thâm hụt thương mại với Đức, cáo buộc Berlin và các đối tác châu Âu khác nợ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "số tiền khổng lồ".
Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi tuần trước cho thấy chỉ có 35% người Đức có cái nhìn thiện cảm với Mỹ dưới thời ông Donald Trump, giảm từ 57% vào cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama.
Bà Merkel sẽ gặp ông Donald Trump và các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở TP Hamburg vào cuối tuần này.
Bình luận (0)