Phóng viên chiến trường là những người luôn đối mặt sự nguy hiểm nhưng tin tức nóng hổi gửi về từ khu vực chiến sự đem lại không ít tiếng tăm cho họ. Để có được danh giá từ công việc của những phóng viên đặc biệt này, nhà báo phải trang bị nhiều kỹ năng tồn tại và chịu đựng trong những điều kiện khắc nghiệt, nhất là khi họ là phụ nữ.
14 lần đến các điểm nóng
Nữ phóng viên chiến trường Clarissa Ward của đài CNN, 36 tuổi, là một thí dụ điển hình như thế. Chị vừa thực hiện chuyến đi 6 ngày đến Syria.
Trước đây, tính đến mùa thu năm 2015, Ward là nữ phóng viên nổi tiếng của đài CBS với những tin tức nóng bỏng từ chiến trường Syria. Chị đã giành được giải thưởng báo chí Peabody của Mỹ năm 2012.
Theo nhật báo Women’s Wear Daily, khi còn làm việc tại đài CBS, Ward từng một mình đến đất nước Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này với tư cách là một khách du lịch. Với chiếc máy quay nhỏ, chị đã thực hiện một cuốn băng video độc đáo. Khi đó, có lần chị đã bị bịt mắt đưa đến gặp một số tay súng thuộc lực lượng quân đội Syria tự do đối lập. Qua cuốn phim Ward thực hiện, người ta thấy chị phỏng vấn một nhóm quân ly khai mang súng máy với khuôn mặt hằn nhiều vết sẹo.
Ward đã không đơn độc trong chuyến đi gần nhất trong năm 2016 này - chuyến đi thứ 14 của chị đến Syria, nhiều hơn bất cứ phóng viên truyền hình nào. Lần này, chị và một nữ đồng nghiệp hợp tác với một nhà làm phim tự do. Gặp gỡ đồng nghiệp sau khi trở về, Ward nhận xét tình hình ở Syria ngày càng trở nên tệ hại hơn.
“Tôi từng rất thất vọng khi phải xem các đoạn băng trên kênh YouTube để biết những sự việc đang xảy ra trên bộ ở Syria. Chúng tôi biết rằng các đợt không kích vẫn không ngừng cày xới mảnh đất tang thương này và đó là nơi quá đỗi nguy hiểm đối với các nhà báo. Thế là tôi bỏ ra 6 tháng trời để tìm hiểu cách thức đi đến đó rồi mới lên đường. Chưa đầy 24 giờ sau, tôi đã chứng kiến một đợt không kích xuống ngôi chợ trái cây với cảm tưởng tình hình thực sự quá xấu” - Ward nhớ lại.
Khi được hỏi có sợ hãi không khi làm phóng viên chiến trường ở Syria, Ward thừa nhận: “Nếu nói không sợ là ngốc nghếch và có lẽ không nên đến đó. Sự kiện xui khiến tôi làm công việc này là vụ khủng bố 11-9, nó xảy ra khi tôi đang học ở Trường ĐH Yale. Thực tế, tôi chỉ cố gắng tìm hiểu xem điều gì đó tương tự có thể xảy ra và trên thế giới có thể có tình trạng thiếu thông tin liên lạc hay không. Thời gian trôi qua và tôi đưa tin các cuộc xung đột trong khu vực Trung Đông... Tôi nhận thấy nhiều người chịu đau khổ. Tôi không ngây thơ để nói rằng mình có thể thay đổi thế giới này. Tôi nghĩ rằng sự ngạo mạn là điều nguy hiểm nhất đối với phóng viên chiến trường. Thế nhưng, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm ở một mức độ nào đó là chứng nhân của sự khổ đau và nói với mọi người về điều đó, kể ra những câu chuyện của con người. Ít nhất, đó là điều nhỏ nhoi tôi có thể làm”.
Nguy hiểm rình rập
Ward cho biết ở Syria, chị luôn mặc bộ áo dài và trùm khăn kín mít như phụ nữ Hồi giáo. “Tôi sẽ bị bắt cóc nếu người ta biết tôi là nhà báo phương Tây và khi tôi ăn mặc như vậy thì chẳng ai thèm nhìn 2 lần. Ngay cả ở các nước khác, nơi ăn mặc giống như thế sẽ bị coi là kỳ quặc, tôi sẽ luôn mặc trang phục... rất bảo thủ. Tôi cảm thấy làm công việc của mình tốt hơn nếu không là tâm điểm chú ý của mọi người” - Ward kể về chuyện ăn mặc khi tác nghiệp ở Syria.
Ở Trung Đông, theo kinh nghiệm của Ward, có rất nhiều người mang súng đến mức người ta phải học cách phân biệt họ. “Trước khi đặt câu hỏi, ta phải đánh giá liệu mình có nguy cơ bị bắn hay không. Nếu tôi thấy tính mạng bị đe dọa thực sự, tôi sẽ không phỏng vấn người đó nữa trừ khi đó là một tình huống ngoại lệ” - Ward xác nhận.
Để thực hiện chương trình “60 phút”, có lần Ward đối mặt một thủ lĩnh thánh chiến với đoạn băng video quay cảnh thuộc hạ y hành quyết các binh sĩ Syria sau khi y lặp đi lặp lại rằng bọn họ không làm điều đó. Ward chợt cảm thấy hoảng sợ vì lúc đó chị đang ở trong nhà y. Ward đã nảy ra một số phương án tự bảo vệ trước tình huống nguy hiểm. Thế nhưng, chị đã may mắn thoát thân do tay thủ lĩnh tỏ ra kinh ngạc khi được cho xem đoạn băng video trước khi y kịp làm một điều gì đó vì nổi giận.
Về nguy cơ bị cưỡng hiếp như nữ nhà báo Laga Logan của đài CBS hồi tháng 2-2011 ở Ai Cập, Ward cho rằng chuyện như thế thật ghê tởm và là điều không may. Theo chị, thật khó có thể hiểu được những chuyện như vậy. Rõ ràng, điều đó rất đáng sợ và có thể xảy ra với bất cứ nữ phóng viên chiến trường nào.
Thỉnh thoảng, nữ phóng viên chiến trường cũng gặp khó khăn. Chẳng hạn, một số người không muốn trả lời phỏng vấn một phụ nữ. Tuy nhiên, theo nhà báo Ward, ở Trung Đông, nhìn chung phụ nữ phương Tây được đối đãi một cách trọng thị khác thường, không giống như những phụ nữ địa phương. “Chúng tôi giống như phái tính thứ ba” - chị cho biết.
Thuận lợi hơn nam giới
Hiện nay, một nhóm nữ phóng viên tài ba đang hoạt động ở Syria: Liz Sly của tờ The Washington Post, Anne Barnard của The New York Times, Rania Abouzeid - The New Yorker, Arwa Damon - đài CNN và Jenan Moussa, Liz Palmer của đài CBS.
Nhà báo Ward nhận xét: “Nữ phóng viên đưa tin về cuộc xung đột ở Syria rất thuận lợi. Trước hết, chúng tôi có thể đeo khăn trùm đầu, giả bộ ngủ gà ngủ gật ở sau xe và lọt qua trạm kiểm soát. Chẳng ai thèm nhìn 2 lần xem liệu chúng tôi có phải là nam giới hay không. Chúng tôi có thể tiếp cận 50% dân số Syria mà các đồng nghiệp nam không thể. Cánh phụ nữ chính là mỏ vàng thông tin. Thường họ cởi mở hơn và trò chuyện về ảnh hưởng thực sự của cuộc chiến tranh cũng như về nỗi mất mát. Tôi cảm thấy may mắn khi là phụ nữ. Điều đó giúp đỡ tôi trong công việc và đã cho tôi cơ hội tiếp cận với khía cạnh thương tâm của câu chuyện”.
Kỳ tới: Chiến trường là văn phòng
Bình luận (0)