Tiết lộ mang tính xì-căng-đan nói trên nằm trong nghiên cứu của hai tổ chức phi lợi nhuận là Trung tâm Nghiên cứu công ty đa quốc gia (CRMC) và Tổ chức Sinh viên - Học giả chống các công ty ngược đãi người lao động (SACOM).
Mùa tự tử
Trong 16 tháng qua, tại các nhà máy Foxconn ở Trung Quốc (chủ Đài Loan) sản xuất hai sản phẩm bán chạy nhất của hãng Apple (Mỹ), có ít nhất 16 công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư (4 nữ, 12 nam tuổi từ 18 đến 25) tự tử (nhảy lầu, cắt mạch máu tay, treo cổ...), vì chịu không xiết điều kiện lao động quá khắc nghiệt. Đó là chưa kể nhiều trường hợp mưu toan tự tử hoặc được can thiệp kịp thời nên thoát chết.
Các năm trước đó, từ 2007 đến 2009, rải rác có 4 trường hợp tự tử, trong đó có một nữ công nhân mới 18 tuổi treo cổ trong nhà tắm. Mùa hè năm 2010 được coi là mùa “đen tối” của Foxconn.
Một dây chuyền sản xuất của Foxconn Thâm Quyến. Ảnh: Wired
Trước áp lực của dư luận xã hội, ban giám đốc các nhà máy Foxconn ở lục địa đã thực hiện một loạt biện pháp chống tự tử như giăng lưới chung quanh nhà ở tập thể. Hãng Apple (đối tác lớn nhất của Foxconn) ban hành quy chế lao động mới như “tôn trọng nhân phẩm công nhân”, nâng lương 30% ở các nhà máy ở Thâm Quyến.
Tuy nhiên, Foxconn cũng buộc công nhân viên mới vào phải ký giấy cam kết “không tự tử”. Trong hợp đồng kỳ lạ này “chỉ có ban giám đốc và người ký biết”, công nhân viên còn cam kết nếu vi phạm thì gia đình sẽ không kiện cáo gì và bằng lòng với số tiền bồi thường tối thiểu.
Thái Trung Quốc, một chuyên gia về lao động, viết trên tập san Lao Động Trung Quốc: “Ở Foxconn, môi trường làm việc giống như trại lính. Người lao động bị tước quyền yêu đương và gia đình. Là lao động nhập cư, họ nhận thức nhanh chóng rằng với đồng lương ở đây khó mà xây dựng một gia đình hay có một vị trí trong đời sống thành thị. Họ cảm thấy giống như bị ở tù”.
Một ngày tuyển dụng 3.000 công nhân
Diêu Văn, một công nhân nhập cư 19 tuổi, cho biết: “Mỗi ngày tôi làm việc 12 giờ, 6 ngày/tuần, lãnh 1.300 nhân dân tệ (NDT - 1 NDT = 3.170 đồng)/tháng. Oải lắm. Nhưng tôi đến đây vì tiền. Dẫu sao, lương ở đây khá hơn các nơi khác”.
Thật ra, trong hợp đồng công nhân chỉ làm việc 8 giờ/ca với mức lương 900 NDT. Diêu Văn giải thích: “Không ai sống nổi với đồng lương đó cho nên phải làm thêm giờ. Dĩ nhiên là rất mệt nhưng lơ là một chút sẽ bị tổ trưởng mắng té tát, thậm chí bị đánh”. Chưa hết, ăn cơm trong căng - tin mà chừa thức ăn trong dĩa cũng bị phạt tiền. Ai làm việc chểnh mảng sẽ bị làm nhục trước đồng nghiệp. Trong suốt ca 12 giờ, không được nói chuyện và không được ngồi” – Diêu Văn nhấn mạnh.
Đối với cô Hiểu Lan, 19 tuổi, đến từ một làng quê nghèo ở Hồ Nam, những vụ tự tử không hề làm cô sợ hãi. Cùng với hàng trăm lao động nhập cư khác, cô đến nhà máy từ 5 giờ sáng với hy vọng được tuyển dụng. Cô chia sẻ: “Cha mẹ tôi gọi điện liên tục. Đối với họ, Foxconn là “nhà máy tự tử”. Nhưng tôi có nhiều bạn bè làm việc tại đây. Họ nói lương ở đây cao hơn các nơi khác”.
Có một sự thật là khi đơn đặt hàng dồn dập (Foxconn sản xuất iPad và iPhone của Apple, điện thoại di động của Nokia, máy Playstation của Sony, máy tính xách tay của Dell và HP), có ngày Foxconn tuyển dụng 3.000 công nhân và cũng ngần ấy người xin nghỉ việc vì kiệt sức. Trung bình mỗi tháng nhà máy “thay máu” 10% nhân công.
Giăng lưới chống tự tử chung quanh nhà tập thể của Foxconn ở Thâm Quyến. Ảnh: Getty Images
Làm thêm 98 giờ/tháng
Cách đây vài tháng, hai tổ chức phi lợi nhuận CRMC và SACOM điều tra điều kiện làm việc của 500.000 công nhân viên các nhà máy Foxconn. Kết quả cho thấy có trường hợp công nhân phải làm thêm mỗi tháng đến 98 giờ. Ở Thành Đô, công nhân làm thêm 60-80 giờ/ngày là chuyện cơm bữa. Vào mùa cao điểm, công nhân làm 13 ngày mới nghỉ được 1 ngày. Foxconn thừa nhận vi phạm luật làm thêm giờ nhưng viện cớ công nhân tự nguyện xin làm thêm. Tuy nhiên, nếu ai không “tự nguyện” sẽ bị cắt tiêu chuẩn làm thêm trong nhiều tháng sau.
Công nhân ở trong các nhà ở tập thể của nhà máy với mật độ 24 người/phòng, không được dùng máy sấy tóc hay ấm đun nước mặc dù phải trả tiền nhà. Họ phải thức dậy lúc 6 giờ 45 phút, chờ nửa giờ để lên xe buýt nhồi nhét 70 người/xe đến nhà máy. Họ được ăn trưa (phải trả tiền) sau 3 giờ lao động, tiếp tục làm thêm 5 giờ mới được ăn tối và sau đó làm tiếp 2 hoặc 3 giờ nữa. Tan ca, họ lại lên xe buýt trở về nhà ở tập thể, cơ thể rã rời.
Công nhân Foxconn làm việc hầu như không có ngày nghỉ. Nếu có, họ tranh thủ ngủ cho lại sức. Ít người chịu khai bệnh vì sợ mất thu nhập và thủ tục rất nhiêu khê. Nghiên cứu của SACOM cho biết môi trường lao động hết sức độc hại nhưng công nhân không được trang bị bảo hộ lao động. Trong phân xưởng chùi rửa vỏ máy iPad, bụi nhôm dày đặc trong không khí, bám chặt vào tay, mặt mũi và quần áo công nhân. Một công nhân than: “Tôi hít bụi nhôm hằng ngày như máy hút bụi. Lỗ mũi tôi đen như lọ nồi”. Chính bụi nhôm này đã gây cháy nổ lớn ở phân xưởng đánh bóng vỏ máy iPod 2 ở Thành Đô chiều 20-5 vừa qua, giết chết 3 người và làm bị thương 15 người khác.
Bình luận (0)