Sự trở về của ông chỉ “gây rắc rối, kích động các cuộc biểu tình bạo loạn với hàng loạt hệ lụy như có người mất mạng, mất mát tài sản nhà nước và cá nhân”, theo lời của ông Sok Eysan, người phát ngôn Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, được báo The Cambodia Daily ngày 24-10 trích dẫn.
Ông Sok Eysan từ chối nói về căn cứ pháp lý của quyết định do chính phủ ban hành, trong đó ra lệnh cho các cơ quan chức năng ngăn chặn ông Rainsy quay trở lại đất nước bằng đường bộ, đường hàng không hay đường biển. Thế nhưng, người phát ngôn nêu rõ mục tiêu chính của CPP cũng như chính phủ là bảo đảm hòa bình trên khắp đất nước, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, vào ngày 12-10, Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ra chỉ thị cấm các hãng hàng không bán vé máy bay cho ông Rainsy về Campuchia. Nếu ông này có trên máy bay thì chiếc máy bay đó sẽ không được phép hạ cánh xuống lãnh thổ nước này.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng lệnh cấm trên không có cơ sở và đi ngược các điều khoản trong hiến chương nhân quyền quốc tế. Luật sư về các vấn đề nhân quyền Sok Sam Oeun nhận xét động thái ngăn ông Rainsy về Campuchia trái với pháp luật, bao gồm cả Hiến pháp. Cùng quan điểm, trao đổi với báo The Phnom Penh Post, luật sư của CNRP Meng Sopheary dẫn điều 33 trong Hiến pháp Campuchia khẳng định “không công dân Campuchia nào bị tước bỏ quốc tịch, bị lưu vong, bắt giữ hay trục xuất đến một nước khác ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận chung”.
Ông Rainsy sống lưu vong ở nước ngoài từ tháng 11-2015 nhằm tránh án tù vì tội phỉ báng Phó Thủ tướng Hor Namhong. Trước thông tin bị “cấm cửa”, ông nói sẽ tìm cách quay trở lại Campuchia trước khi cuộc bầu cử tiếp theo dự kiến tổ chức vào tháng 7-2018. Dù không tiết lộ thời điểm về nước nhưng ông Rainsy nói kế hoạch dài hạn của ông không thay đổi. Trong cách nhìn của GS Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, “nếu ông Rainsy trở về và bị bắt, biểu tình có thể bùng nổ”.
Bình luận (0)