Các cuộc đụng độ giữa binh sĩ Thái Lan và Campuchia đã bước sang ngày thứ tư tại khu vực biên giới rộng 4,6 km2 chung quanh ngôi đền cổ 900 năm tuổi - ở Campuchia gọi là Preah Vihear, còn ở Thái Lan là Khao Phra Viharn.
Cuộc đụng độ kéo dài một giờ vào sáng 7-2 đã dừng lại sau khi hai bên đồng ý một cuộc ngừng bắn không chính thức. Hiếm khi xảy ra đụng độ nhiều ngày liên tục như vậy giữa hai quốc gia này. Mỗi bên đều cáo buộc bên kia xâm phạm lãnh thổ của mình.
Người dân Campuchia rời bỏ khu vực xảy ra xung đột vũ trang ngày 7-2. Ảnh: REUTERS
Theo nhà chức trách địa phương ở cả hai quốc gia, ít nhất 2.500 người đã rời bỏ khu vực biên giới phía Thái Lan và hàng trăm người Campuchia cũng đã sơ tán.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon ra tuyên bố khẳng định ông lo lắng một cách sâu sắc trước sự việc trên, đồng thời thúc giục hai bên ngưng bắn và tìm ra một giải pháp lâu dài cho cuộc tranh chấp này.
Ngoài ra, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 5-2 nhận định rằng tình hình này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong khu vực.
Hãng tin Reuters cho biết phía Campuchia đã thúc giục Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp. Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi Hội đồng Bảo an triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, đồng thời cáo buộc Thái Lan đã gây ra những hành động khiêu khích giết hại người dân Campuchia và làm đổ sụp một gian của ngôi đền.
Hôm 7-2, ông tuyên bố nước này sẽ đề nghị LHQ cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực biên giới gần ngôi đền tranh chấp nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ mới giữa quân đội hai nước.
Trong một tuyên bố mới nhất vào ngày 7-2, Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban nêu rõ Bangkok muốn đối thoại hòa bình với Phnom Penh.
Báo điện tử Matichon dẫn lời ông Suthep khẳng định Chính phủ Thái Lan luôn bỏ ngỏ các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp biên giới và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.
Đồng thời, ông bày tỏ hy vọng hai bên có thể giải quyết căng thẳng hiện nay mà không cần tới sự can thiệp của bên thứ ba.
Con số thương vong trong các cuộc đụng độ hiện chưa được xác định rõ ràng. Chính phủ Campuchia nói 3 người nước này thiệt mạng, trong đó có 2 binh sĩ. Thế nhưng, các cơ quan truyền thông Thái Lan cho biết 64 người Campuchia tử vong.
Quân đội Thái Lan cũng thông báo một binh sĩ và một người dân nước này thiệt mạng trong hai ngày 4 và 5-2 trong khi ít nhất 20 binh sĩ bị thương. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông Campuchia khẳng định con số thương vong của Thái Lan còn cao hơn nữa.
Trong khi đó, ngày 7-2, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, trên cương vị là nước Chủ tịch ASEAN năm 2011, đã đến Phnom Penh trong nỗ lực làm trung gian hòa giải tình hình căng thẳng biên giới kéo dài nhiều ngày qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho biết trong 2 ngày ở thăm Campuchia, ông Natalegawa sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Hor Nam Hong và Thủ tướng Hun Sen về tình hình hiện nay.
Cả LHQ, ASEAN và Mỹ đều đã lên tiếng kêu gọi Campuchia và Thái Lan kiềm chế ở mức tối đa, tránh để cuộc xung đột leo thang, thúc giục hai bên sớm đàm phán để giảm bớt căng thẳng.
VN kêu gọi hai bên kiềm chế
Ngày 7-2, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước xung đột xảy ra trong những ngày vừa qua tại khu vực đền Preah Vihear trên biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: “Cũng là thành viên của ASEAN, Việt Nam lo ngại sâu sắc về xung đột tại khu vực đền Preah Vihear trên biên giới giữa Campuchia và Thái Lan.
Việt Nam kêu gọi hai bên kiềm chế, tránh để sự việc diễn biến phức tạp, giải quyết vấn đề thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới”. |
Bình luận (0)