Ông Obama bắt đầu ngày làm việc cuối cùng trong Nhà Trắng hôm 18-1cũng giống như cách ông chào buổi sáng 2.920 lần trước đó, bằng một cuộc họp vắn thường lệ. Nơi diễn ra cuộc họp vẫn như mọi khi, ngay trong phòng Phòng Bầu dục. Cùng tham dự, vẫn là gương mặt thân quen, Phó tổng thống Joe Biden.
Việc duy nhất khác thường trong chương trình làm việc của vị tổng thống Mỹ thứ 44 là bữa trưa cuối cùng trong vai trò tổng thống với ông Biden trong phòng ăn trưa riêng.
TT Obama rời khỏi phòng họp báo Brady sau cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị tổng thống tại Nhà Trắng ở Washington hôm 18-1. Ảnh: EPA
Trong khi các thành viên trong gia đình đang gói ghém chuẩn bị rời khỏi Nhà Trắng – ngôi nhà đã gắn bó 8 năm qua, vào ngày 20-1, ông Obama vẫn điều hành nước nhà như bình thường.
Nhà Trắng vừa công bố một lá thư tới các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông báo rằng trong khi chính quyền của Tổng thống Obama đã chuyển giao gần 200 tù nhân ở nhà tù vịnh Guantanamo, vẫn còn 41 người bị giam giữ ở đây.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng đã quyết định giảm án cho tổng cộng 330 tù nhân Mỹ.
Nguyên thủ thế giới nhận cuộc gọi cuối cùng của Tổng thống Obama chính là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong 8 năm qua, hai vị lãnh đạo đã sát cánh với nhau khi thế giới phải chống chọi với khủng hoảng tài chính, sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những phong trào chủ nghĩa dân tộc càn quét khắp thế giới.
Ông chủ Nhà Trắng gọi bà Merkel là “một lãnh đạo mạnh mẽ, can đảm và kiên định”, đồng thời khẳng định tình bạn thân thiết với nữ thủ tướng Đức, nhấn mạnh rằng cả hai đã thúc đẩy quan hệ đối tác sâu sắc hơn giữa Đức và Mỹ.
Trong một động thái được cho là phá vỡ thông lệ, Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cũng tham gia một cuộc gọi với phu quân của Thủ tướng Merkel, Giáo sư Joachim Sauer.
Dự kiến, gia đình ông Obama sẽ nói lời chia tay với các nhân viên tại Nhà Trắng vào lúc 8 giờ 30 ngày 20-1, theo giờ địa phương. Hai giờ sau đó, họ sẽ rời đi qua lối North Portico và được một chiếc limousine đưa tới điện Capitol.
“Quả là một ngày nhiều lưu luyến”- Patrick Maney – chuyên gia sử học tổng thống tại Đại học Boston nói, - “Điều duy nhất gây bối rối là sự chạm mặt giữa ông chủ cũ và ông chủ mới của Nhà Trắng”. Chẳng hạn, tổng thống thứ 32 Franklin Roosevelt và người tiền nhiệm Herbert Hoover hầu như không nói với nhau lời nào, không khí giữa hai tổng thống Harry Truman và Dwight Eisenhower thậm chí còn khá căng thẳng. Và tổng thống Mỹ thứ 43 George H.W. Bush lại phật ý khi nhà Clinton tới trễ trong cuộc hẹn cà phê tiền nhậm chức truyền thống.
Bình luận (0)