Hiếm hoi lắm mới thấy xuất hiện 1 bóng người. - Ảnh: BBC
Tình cảnh đìu hiu của thành phố non trẻ này phần nào phản ánh một thực tế, đó là thời kỳ bùng nổ xây dựng, từng góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc, đã qua. Phải chăng bong bóng sắp nổ?
Một bức tượng khổng lồ khắc họa chiến binh vĩ đại Genghis Khan sững sững trước Genghis Khan Plaza tại thành phố mới Ordos. Quảng trường lớn tới rợn ngợp, mờ ảo trong sương tuyết của buổi sáng chủ nhật đẹp trời.
Các tòa nhà lớn đang thi nhau mọc lên xung quanh Genghis Khan Plaza.
Bức tượng hai con ngựa khổng lồ từ đồng cỏ trong tư thế tung chân trong không trung cực kỳ mạnh mẽ ở giữa trung tâm Plaza, làm cho chiến binh Khan vĩ đại trở nên nhỏ bé.
Có lẽ ít ai lại không nhận ra sự quy mô, tráng lệ của các công trình ở đây. Có điều người ta cũng dễ nhận ra ở đây thiếu vắng một nhân tố cực kỳ quan trọng: đó là con người.
Sự yên tĩnh đến rợn người. - Ảnh: Time
Trong thành phố rộng lớn này chỉ có khoảng 2 hoặc 3 người. Bởi đây là Ordos, nơi được gọi là thành phố ma lớn nhất Trung Quốc.
Hầu hết các tòa nhà mới trong thành phố đều không một bóng người hoặc chưa xây xong. Những tòa chung cư mọc lên “tua tủa” xung quanh đều chịu chung một số phận không có ai mua.
Bảo tàng đang xây dở. - Ảnh: Time
Nếu ai muốn tìm một nơi ở Trung Quốc để chứng kiến bong bóng khổng lồ của nhà đất ở đã vỡ, thì Ordos là một gợi ý.
Câu chuyện bắt đầu khoảng 20 năm trước, khởi điểm từ một cuộc đổ xô khai thác than. Các công ty than tư nhân đổ về những vùng thảo nguyên Nội Mông xanh mát, hủy hoại khung cảnh nên thơ đó với hàng loạt những chiếc hố khổng lồ trên mặt đất hoặc những đường hầm dài.
Nông dân địa phương bán đất cho các chủ mỏ và bất ngờ giàu có. Nhiều việc làm mới xuất hiện. Những hàng xe tải chở than dài bất tận nghiền nát các con đường.
Và thành phố Ordos cổ kính xưa kia biến mất lúc nào không hay khi dòng tiền ngày càng đổ về nhiều hơn.
Thành phố tự trị này cũng quyết định phải có những suy tính lớn để bắt kịp thời đại. Kế hoạch xây dựng một thành phố mới khổng lồ với hàng trăm ngàn cư dân và Genghis Khan Plaza đặt tại trung tâm, được vạch ra.
Mười năm sau, thành phố Ordos mới hẳn đã to đẹp hơn nhưng lại không có một bóng người.
Và đây chỉ là một ví dụ điển hình nhất của hiện tượng mới tại Trung Quốc, thường thấy ở nhiều thành phố như: những căn hộ không có người mua, những cửa hàng không có người thuê và những tòa cao ốc văn phòng lớn nhưng trống không.
Phải chăng bong bóng sắp nổ? - Ảnh: Time
Các chuyên gia tài chính Phương Tây, vốn lo ngại về một sự bùng nổ đối với bong bóng bất động sản Trung Quốc, chỉ ra rằng kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xây dựng nhà ở nhiều hơn là kinh tế Mỹ vào thời điểm bong bóng nhà đất Mỹ vỡ vào năm 2007.
Nhiều giới chức địa phương ở Trung Quốc dường như ngày càng phụ thuộc vào nguồn tiền thu được từ các thương vụ bán đất lớn cho các nhà phát triển.
Trong mắt của các nhà phê bình, hiện tượng bùng nổ nhà ở của Trung Quốc đang trở thành một thảm họa.
Giới chức ở Trung Quốc cũng lưu tâm tới các cảnh báo ngày càng quyết liệt đó. Họ đã có nhiều hành động cụ thể nhằm kiềm chế mua nhà, căn hộ để đầu cơ trong hai năm qua.
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc lại có vẻ lạc quan hơn các đồng nghiệp phương Tây. Họ vẫn tự tin rằng các nhà kỹ trị tại Bắc Kinh, những người đã dẫn dắt 30 năm phát triển kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc, sẽ sớm cân bằng được cung và cầu trong thị trường nhà ở.
Bình luận (0)