Doanh trại al-Tanf từ lâu đã trở thành cái gai trong mắt Moscow, Tehran và Damascus nhưng tất cả những gì các nước này có thể làm mới chỉ là kêu ca về sự hiện diện của nó.
Binh sĩ Mỹ tại Syria. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, kênh Sputnik (Nga) trích dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Muallem nói rằng Mỹ "đang gom tàn quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại căn cứ này để sau này cử chúng đi gây chiến với quân đội Syria".
Trước đó, cuối năm 2017, tướng Nga Valery Gerasimov tuyên bố với báo Pravda (Nga) rằng dữ liệu vệ tinh và theo dõi cho thấy "những đội quân khủng bố" trú đóng tại căn cứ al-Tanf và bọn khủng bố này "được huấn luyện tại đó".
Kênh Press TV của Iran đã trích dẫn phát biểu của tướng Gerasimov trong bài báo đăng hồi tháng 6 năm nay với tựa đề "Lực lượng Mỹ huấn luyện khủng bố tại 19 trại bên trong Syria".
Nga tuyên bố chuyển hệ thống phòng không S-300 cho Syria. Ảnh: SPUTNIK
Ngoài ra, Damascus và các cơ quan truyền thông Nga thậm chí khẳng định rằng Mỹ đang chuẩn bị tạo ra một vụ tấn công giả hiệu bằng chất hóa học tại al-Tanf, "giống như vụ đã xảy ra ở Douma".
Trong khi đó, đại tá Mỹ Sean Ryan, phát ngôn viên chiến dịch Quyết tâm Cố hữu, xác nhận với báo Business Insider: "Liên minh do Mỹ dẫn đầu có mặt ở đây để đánh bại IS, trước tiên và trên hết, và đó là mục tiêu của sự hiện diện tại al-Tanf. Không hề có lính Mỹ nào huấn luyện IS và điều đó là sai trái và thông tin sai sự thật. Thực là đáng kinh ngạc khi có người nghĩ như thế".
Trên thực tế, lâu nay Mỹ vẫn huấn luyện quân nổi dậy Syria tại căn cứ al-Tanf, cụ thể là nhóm có tên Maghawir al Thawra, lực lượng tiên phong trong cuộc chiến IS - theo lời nhà phân tích quân sự cao cấp Omar Lamrani của Công ty Stratfor.
Ông Lamrani nhận định ý tưởng cho rằng Mỹ huấn luyện IS hoặc các nhóm nổi dậy nào giống như vậy tại căn cứ al-Tanf là "hết sức vớ vẩn". Thêm vào đó, ông này khẳng định rằng đối với Nga và Iran, hầu như mọi nhóm nào chống lại chính phủ Syria đều có thể bị dán cho cái "mác" khủng bố.
Thế nhưng, vì sao Nga, Iran và Syria quan tâm đến doanh trại đó của Mỹ nhiều đến vậy?
Theo ông Lamrani, nguyên nhân cơ bản vì sao Iran quan tâm đến căn cứ này nhiều như thế là nó ngăn chặn xa lộ Baghdad - Damascus trong khi Tehran sử dụng tuyến đường bộ này để vận chuyển vũ khí đến thủ đô Damascus của Syria. Ông nhận xét tuyến đường thủy rất dễ bị phía Israel gây trở ngại, còn tuyến hàng không thì tốn kém và thường xuyên bị không quân Israel can thiệp.
Mặt khác, Moscow nổi giận về căn cứ al-Tanf, theo nhận định của ông Lamrani, bởi vì "đây là khu vực mới nhất ở Syria mà Mỹ dính líu đến quân nổi dậy, không phải là lực lượng dân chủ Syria (SDF)".
Ông Lamrani cho biết thêm Nga và chính phủ Syria đã "mở ra một số kênh" với SDF và muốn thương lượng, chứ không phải chiến đấu, với họ.
Thế nhưng, sự nổi giận của Moscow, Tehran và chính phủ Syria có thể vượt xa khỏi sự ngăn chặn dòng vũ khí chuyển đến Damascus và huấn luyện quân nổi dậy.
Ông Max Markusen, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược, nhận định rằng chế độ Syria, người Nga và người Iran, xem căn cứ al-Tanf là một chiến thắng mang tính biểu tượng của Mỹ, đồng thời cho rằng Mỹ huấn luyện quân nổi dậy tại đó.
Thế nhưng, theo ông Markusen, họ không tìm cách sử dụng vũ lực để đuổi binh sĩ Mỹ ra bởi vì "cái giá của tình trạng leo thang xung đột là quá cao".
Bình luận (0)