Thủ tướng Justin Trudeau công bố biện pháp này hôm 10-6, gọi đó là "một vấn đề đơn giản mà chúng ta không thể bỏ qua". "Rác thải nhựa kết thúc vòng đời tại các bãi rác và lò đốt rác. Xả rác ở công viên và bãi biển, gây ô nhiễm sông, hồ và đại dương của chúng ta, khiến rùa, cá và động vật có vú dưới biển bị vướng vào mảnh nhựa, thậm chí giết chết chúng. Chưa tới 10% đồ nhựa sử dụng ở Canada được tái chế. Nếu không có sự thay đổi, người Canada sẽ vứt bỏ một lượng vật liệu nhựa ước tính trị giá 11 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030", nhà lãnh đạo Canada nói.
Mỗi năm có 1 triệu con chim và hơn 100.000 động vật biển có vú trên thế giới bị thương hoặc chết do nhầm nhựa với thức ăn. Ảnh: DW
Theo chính phủ Canada, mỗi năm có 1 triệu con chim và hơn 100.000 động vật biển có vú trên thế giới bị thương hoặc chết vì nhầm nhựa với thức ăn. Theo bài phát biểu của Thủ tướng Canada, trên toàn cầu, một xe tải chở chất thải nhựa đổ vào đại dương mỗi phút.
Hồi tháng 3, Nghị viện châu Âu thông qua luật cấm đồ nhựa sử dụng một lần tại châu Âu với mục tiêu tái chế ít nhất 90% chai nước giải khát vào năm 2029. Vào tháng 5, Chính phủ Anh sẽ cấm bán và sử dụng ống hút nhựa, tăm bông và thìa khuấy nước từ tháng 4-2020. Các nhà chức trách ước tính có tổng cộng 4,7 tỉ chiếc ống hút nhựa, 316 triệu dụng cụ khuấy bằng nhựa được dùng mỗi năm tại Anh.
Theo Ủy ban châu Âu, hơn 80% rác thải trên các đại dương là rác thải bằng nhựa do tốc độ phân hủy trong môi trường biển rất chậm. Rác thải nhựa được tìm thấy bên trong các động vật biển bao gồm rùa biển, hải cẩu, cá voi và chim. Vào tháng 4, xác cá nhà táng mang thai dạt vào bờ biển Sardinia - Ý chứa 22 kg rác thải nhựa trong bụng và phôi thai đã chết.
Xác cá nhà táng mang thai dạt vào bờ biển Sardinia - Ý chứa 22 kg rác thải nhựa trong bụng và phôi thai đã chết. Ảnh: CBS NEWS
Đài CNN dẫn lời ông Trudeau cho biết chính phủ của ông sẽ làm việc với các công ty sử dụng hoặc làm ra các sản phẩm nhựa để bàn về chất thải. Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Catherine McKenna khẳng định đã đến lúc phải hành động. "Chúng ta đều đã nhìn thấy những hình ảnh đáng lo ngại về cá, rùa biển, cá voi và các động vật hoang dã khác bị thương hoặc chết vì rác nhựa trong đại dương", bà Catherine McKenna nói.
Trước những nỗ lực các quốc gia như Canada và Anh, vấn đề đáng lo ngại vẫn là cách tái chế đúng cách rác thải nhựa sử dụng hàng ngày trên khắp thế giới. Đầu năm 2018, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa hàng đầu thế giới. Cả Malaysia và Philippines đều tuyên bố họ sẽ trả lại hàng trăm tấn chất thải nhựa bị ô nhiễm cho các nước phát triển, bao gồm cả Canada. Do đó, các nước phương Tây phải tìm cách giải quyết.
Bình luận (0)