Phiên tranh luận dự kiến diễn ra lúc 15 giờ (giờ địa phương) tại Tòa án phúc thẩm khu vực số 9 ở TP San Francisco, theo Reuters. Còn đài CNN cho hay phiên tòa sẽ kéo dài một tiếng, được thực hiện bằng điện thoại giữa ba thẩm phán của tòa trên,
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ hôm 6-2 đã bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump và kêu gọi tòa phúc thẩm khôi phục lệnh này vì lợi ích an ninh quốc gia. Trong bản tóm tắt dài 15 trang, bộ này cho rằng sắc lệnh được thực thi hợp pháp trong phạm vi quyền hạn của tổng thống và không phải là lệnh cấm nhằm vào tất cả người Hồi giáo.
"Tòa án liên bang đã sai lầm khi ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh. Phán quyết có hiệu lực trên toàn quốc là quá rộng" - bản tóm tắt viết.
Ở phía ngược lại, đại diện 2 bang Washington và Minnesota dự kiến tiếp tục củng cố lập luận rằng sắc lệnh trên là vi hiến, gây hại đến người dân, doanh nghiệp và các trường đại học tại địa phương mình.
Ông Trump cho rằng sắc lệnh cấm nhập cư được đưa ra nhằm bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa khủng bố. Ảnh: Reuters
Vài giờ trước phán quyết của thẩm phán Robart hôm 3-2, một thẩm phán liên bang ở TP Boston, bang Massachusetts ra phán quyết từ chối gia hạn lệnh tạm ngừng bắt giữ và trục xuất những người nhập cảnh vào Mỹ thuộc 7 nước bị nêu tên trong sắc lệnh của ông Trump.
Như vậy, đến nay đã có ít nhất 2 phán quyết của tòa liên bang cấp địa phương về sắc lệnh hạn chế nhập cư của tổng thống Mỹ.
Tổng chưởng lý tại 16 bang đã ký vào lá thư lên án lệnh cấm. Ngoài ra, 14 vụ kiện nhằm vào sắc lệnh đã được tiến hành tại 14 bang.
Cuộc chiến pháp lý về sắc lệnh hạn chế nhập cư được đưa ra Tòa phúc thẩm sau khi thẩm phán liên bang James Robart ở TP Seattle, bang Washington hôm 3-2 ra phán quyết tạm dừng thực thi sắc lệnh của ông Trump trên toàn quốc.
Đến ngày 5-2, tòa phúc thẩm bác yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc khôi phục lập tức lệnh cấm, cũng như đề nghị các bên đối đầu tiếp tục đưa ra lập luận củng cố lập trường của mình.
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 6-2, ông Trump nhấn mạnh: “Mối đe dọa từ những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan là có thật, chỉ cần nhìn vào những gì xảy ra ở châu Âu và Trung Đông. Tòa án nên hành động nhanh chóng”.
Ông Trump cho rằng sắc lệnh cấm nhập cư được đưa ra nhằm bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa khủng bố. Trước đó, ông Trump đã công kích thẩm phán Robart và hệ thống tư pháp vì những phán quyết hoãn thực thi sắc lệnh của ông.
Đến lúc này, vẫn rất khó đoán về phán quyết của Tòa phúc thẩm và các chuyên gia vẫn tranh cãi về cơ hội thắng thua giữa 2 bên.
Tòa phúc thẩm có thể "y án" của thẩm phán Robart, trả hồ sơ về tòa liên bang Tây Washington (nơi ông Robart làm việc) để tiếp tục xét xử hoặc tuyên hủy bỏ phán quyết để tái khởi động sắc lệnh của Trump.
Trong cả hai trường hợp, bên thua nhiều khả năng sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao, cơ quan phân xử cao nhất.
Bình luận (0)