Sắc lệnh ảnh hưởng đến du khách, sinh viên, người nhập cư và người tị nạn của ông Trump bị đóng băng tạm thời sau phán quyết của thẩm phán James Robart (ở TP Seattle, bang Washington) hôm 2-2.
Vụ kiện do Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson phát động với sự ủng hộ của bang Minnesota. Đơn kiện nêu rõ sắc lệnh của ông Trump có thể gây thiệt hại đối với nền kinh tế cũng như làm ảnh hưởng đến nhiều người dân Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump đang yêu cầu Tòa phúc thẩm ở San Francisco bác phán quyết của ông Robart. Hôm 5-2, tòa phúc thẩm đã bác yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ về việc khôi phục lập tức sắc lệnh do Tổng thống Trump đưa ra.
Tòa này cũng cho bang Washington và Minnesota hạn chót là sáng 6-2 (giờ địa phương) để trình lập luận trong khi thời hạn của Bộ Tư pháp Mỹ là vào 15 giờ cùng ngày (giờ địa phương). Bên thua kiện có thể khiếu nại lên Tòa án Tối cao.
Tòa phúc thẩm có thể ra quyết định bất cứ lúc nào sau hạn chót trên và bên thua có thể nhanh chóng đẩy vụ việc lên Tòa án Tối cao, theo trang Bloomberg. Để đảo ngược quyết định của thẩm phán Robart, phải cần 5/8 thẩm phán bỏ phiếu thuận.
Trong trường hợp tòa phúc thẩm không "nghiêng về" sắc lệnh của ông Trump, GS Kathleen Kim tại Trường Luật Loyola, TP Los Angeles, nhận định tòa tối cao có thể sẽ không tiếp nhận đơn kháng cáo để "duy trì chức năng kiểm tra và cân bằng các lợi ích trong hệ thống pháp luật".
Trước khi bàn đến tòa tối cao, theo hãng tin Bloomberg, quyết định của Tòa phúc thẩm ở San Francisco cũng rất khó dự đoán. Tòa án này có thẩm quyền đối với hầu hết miền Tây nước Mỹ, bao gồm các bang Alaska, Arizona, California, Hawaii, Idaho, Montana, Nevada, Oregon và Washington – với khoảng 20% dân số Mỹ. Đáng nói là hầu hết thẩm phán trong tòa này do các tổng thống đảng Dân chủ bổ nhiệm.
Toà phúc thẩm San Francisco vốn được mệnh danh là một pháo đài tự do. Tháng 11 năm ngoái, tòa án này chặn chính quyền bang Arizona thi hành lệnh cấm liên quan đến quá trình bỏ phiếu. Tháng 6 cùng năm, tòa án cũng can thiệp vào quy định dành cho những người mang vũ khí của bang California.
Biểu tình phản đối sắc lệnh của ông Trump bên ngoài sân bay quốc tế Los Angeles hôm 29-1. Ảnh: Bloomberg
Hệ thống tòa án liên bang Mỹ gồm ba cấp độ: cấp địa phương (tòa sơ thẩm), cấp khu vực (tòa phúc thẩm) và Tòa án Tối cao (tòa phúc thẩm cao nhất). Dựa trên các đơn kiện cụ thể, các tòa này sẽ xem xét một đạo luật hoặc một quy định nào đó có vi phạm hiến pháp hay quyền cá nhân của người dân hay không.
Trong trường hợp của phán quyết Seattle, ông James Robart là thẩm phán của tòa án liên bang cấp thấp nhất nên vẫn có quyền ra phán quyết có hiệu lực trên cả nước về sắc lệnh của ông Trump.
Bình luận (0)