G7 thúc giục tất cả các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, khẳng định mọi tuyên bố chủ quyền phải phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như các nước liên quan phải kiềm chế “những hành động đơn phương có thể khiến căng thẳng gia tăng”.
Ngoài ra, tuyên bố còn nhấn mạnh việc sử dụng các phương tiện pháp lý, trong đó có tòa trọng tài. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague - Hà Lan sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo truyền thông quốc tế, dù không có quốc gia nào được đề cập đích danh song phần nội dung trên rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Vì thế, không có gì khó hiểu khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lập tức nói Bắc Kinh “cực kỳ không hài lòng” về tuyên bố chung của Hội nghị G7. Bà Hoa chỉ trích hành vi “thổi phồng” vấn đề biển Đông và những căng thẳng ở đó không có lợi đối với sự ổn định ở vùng biển này.
Phản ứng mạnh của G7 là cần thiết giữa lúc Bắc Kinh tiếp tục bộc lộ tham vọng độc chiếm biển Đông. Tờ China Daily hôm 27-5 tiết lộ Trung Quốc muốn biến một số đảo nhân tạo xây phi pháp ở biển Đông thành các khu nghỉ mát theo phong cách Maldives.
Trước đó một ngày, kênh Fox News công bố một số ảnh vệ tinh mới nhất từ ImageSat quốc tế (ISI) cho thấy Bắc Kinh lần đầu tiên triển khai trái phép máy bay không người lái do thám tầm xa Harbin BZK-005 tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc vừa cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận ký với Mỹ năm 2015 qua vụ điều 2 máy bay chiến đấu J-11 chặn máy bay trinh sát EP-3 trên biển Đông hôm 17-5. Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban hôm 26-5 cho biết đại diện hai nước đã thảo luận về vụ việc tại các cuộc gặp ở bang Hawaii trong tuần này.
Tại cuộc gặp, phía Mỹ tỏ rõ quan ngại trước hành động không an toàn và không chuyên nghiệp của máy bay Trung Quốc.
Bình luận (0)