Theo đơn kiến nghị của 2 người làm việc tại Boracay và 1 du khách, lệnh cấm du khách đến Boracay trong 6 tháng là "lạm quyền và coi thường luật pháp", xâm phạm quyền hiến định về đi lại. Được hỗ trợ pháp lý bởi một hiệp hội luật sư, bản kiến nghị yêu cầu Tòa án Tối cao áp đặt lệnh hạn chế tạm thời (TRO) đối với quyết định trên.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, lập tức gọi kiến nghị trên là không có giá trị bởi Tòa án Tối cao trước đó phán quyết Boracay thuộc sở hữu của nhà nước. Ông Roque nói thêm rằng trừ khi Tòa án Tối cao áp đặt TRO, Boracay bắt đầu bị đóng cửa để làm sạch từ ngày 26-4.
Cảnh sát tham gia diễn tập chống bắt cóc con tin trên đảo Boracay hôm 25-4 Ảnh: REUTERS
Để chuẩn bị cho kế hoạch gây tranh cãi này, Manila đã triển khai binh sĩ và cảnh sát đến Boracay hôm 24-4 để bảo đảm an toàn và ngăn du khách đặt chân lên đảo. Họ cũng diễn tập trên bãi biển với nội dung ngăn cản người biểu tình trong trường hợp xung đột xảy ra, đối phó khủng bố và bắt cóc con tin.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa sẽ cho bắt giữ bất kỳ ai ngăn chặn nỗ lực của chính phủ trong việc chấn chỉnh hệ thống xả thải và phá hủy những công trình trái phép.
Hơn 2 triệu du khách đã đến Boracay năm ngoái, mang lại khoản thu 56 tỉ peso (khoảng 24.313 tỉ đồng).
Tuy nhiên, theo chính quyền ông Duterte, lượng du khách khổng lồ, cộng với sự mọc lên ồ ạt của các cơ sở nghỉ dưỡng trong lúc hạ tầng không được cải thiện, đe dọa biến Boracay thành "hòn đảo chết" trong chưa đầy 10 năm nữa. Một số cơ quan chính phủ ước tính việc đóng cửa này sẽ khiến từ 20.000-35.000 cư dân hòn đảo mất việc và làm kinh tế thiệt hại khoảng 1,96 tỉ peso.
Bình luận (0)