Giới chức Hàn Quốc phỏng đoán quả tên lửa tầm xa nêu trên nhiều khả năng là Hwasong-17, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hiện đại nhất được Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công lần đầu tiên hồi cuối tháng 3 năm nay.
Tại Nhật Bản, đợt thử nghiệm vũ khí mới nhất của Triều Tiên khiến hệ thống báo động rền vang ở các tỉnh Miyagi, Yamagata và Niigata.
Báo Nikkei ngày 3-11 cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc triển khai tên lửa siêu thanh trước năm 2030, với mục tiêu củng cố năng lực răn đe nhằm đối phó với các mối đe dọa đến từ Triều Tiên. Với tốc độ bay nhanh hơn vận tốc âm thanh ít nhất 5 lần và quỹ đạo bay phức tạp, tên lửa siêu thanh rất khó bị đánh chặn, tờ báo này khẳng định.
Người dân ở Seoul - Hàn Quốc theo dõi bản tin về đợt phóng tên lửa hôm 3-11 của Triều Tiên Ảnh: REUTERS
Trong một tuyên bố cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) nhấn mạnh các đợt phóng tên lửa đạn đạo liên tục của Triều Tiên là "một động thái khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên nói chung và thế giới nói riêng".
Theo thống kê của đài CNN, tính đến ngày 3-11, Triều Tiên đã tiến hành ít nhất 30 đợt thử nghiệm tên lửa trong năm nay, trong đó chỉ riêng ngày 2-11 đã phóng 23 tên lửa các loại.
Giới quan sát khẳng định Bình Nhưỡng đẩy mạnh thử nghiệm vũ khí nhằm phản ứng cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên "Vigilant Storm" của Mỹ và Hàn Quốc, vốn dự kiến kết thúc vào ngày 4-11.
Tuy nhiên, vài giờ sau các vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, Washington và Seoul tuyên bố kéo dài tập trận đến khi có thông báo mới nhằm ứng phó với "cuộc khủng hoảng an ninh hiện tại".
Theo giới chuyên gia, Bình Nhưỡng đang đứng trước "thời điểm lý tưởng" để đẩy nhanh tiến độ phát triển vũ khí chiến lược. "Triều Tiên tăng cường thử nghiệm vũ khí khi nhận thấy các điều kiện có lợi.
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc đồng nghĩa những quốc gia này gần như chắc chắn sẽ không hợp tác với Mỹ và đồng minh trong nỗ lực siết chặt lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên" - chuyên gia Sue Mi Terry của Viện Nghiên cứu Wilson Center (Mỹ) phân tích.
Bình luận (0)