Trong lúc tuyên bố áp dụng thiết quân luật ở 10/27 khu vực tại Ukraine từ ngày 28-11, Tổng thống Petro Poroshenko đã cáo buộc Nga đang chuẩn bị một cuộc xâm lược quy mô lớn trên bộ.
Ông Poroshenko đưa ra nhận định gây sốc như trên trong bài diễn văn được trực tiếp trên truyền hình sau khi xảy ra đụng độ giữa tàu hải quân Ukraine và Nga trên biển Azov hôm 25-11, khiến dư luận e ngại chiến tranh nổ ra. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin cũng cảnh báo nhiều khả năng "Nga hoạch định những hành động gây hấn hơn nữa trên biển hoặc trên đất liền".
Thêm vào đó, thông báo trên mạng xã hội Facebook ngày 27-11, trung tâm báo chí của "chiến dịch các lực lượng phối hợp" cho biết các đơn vị vũ trang Ukraine được điều động đến Donbass được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, theo lệnh của tư lệnh Sergei Nayev, vị chỉ huy chiến dịch. Một ngày trước, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng ra lệnh đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Chưa hết, theo trang Vesti (Ukraine), ông Vadim Skibitsky, phát ngôn viên cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết Nga đã triển khai dọc biên giới với Ukraine gần 500 máy bay chiến đấu và 25 nhóm tiểu đoàn chiến thuật có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trên lãnh thổ nước này.
Quân đội Ukraine được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu Ảnh: OBOZREVATEL
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ lo ngại chuyện Kiev quyết định đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và tuyên bố thiết quân luật.
Điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 26-11, nhà lãnh đạo Nga bày tỏ hy vọng Đức sẽ tác động đến chính quyền Ukraine về tình hình ở eo biển Kerch để ngăn Kiev có những quyết định khinh suất - hãng tin Tass trích dẫn thông tin từ cơ quan báo chí Điện Kremlin cho biết.
Ngoài ra, bình luận về đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine cần đối thoại trực tiếp, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố tình hình ở eo biển Kerch không đòi hỏi điều đó khi lực lượng biên phòng Nga đã "nhân nhượng những kẻ vi phạm biên giới Nga". Đồng thời, theo ông Peskov, Tổng thống Putin sẽ thông báo lập trường của mình về sự cố ở eo biển Kerch trong vài ngày tới.
Điều khiến dư luận thế giới quan tâm lúc này là Tổng thống Mỹ Donald Trump không phản ứng mạnh chuyện Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine cùng với các thủy thủ - điều mà giới chính khách ở Đức, Anh, Canada, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Ba Lan đã làm. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng chỉ nói chung chung là "Mỹ không thích những gì đang xảy ra".
Thái độ của ông Trump tương phản với Ngoại trưởng Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. Bà Haley gọi hành động của Nga "vi phạm luật pháp quốc tế" trong lúc ông Pompeo lên án và yêu cầu Moscow trả Kiev 3 tàu nói trên.
Đài CNN nhận xét ông Trump dường như không muốn đổ lỗi cho Nga về sự leo thang căng thẳng với Ukraine trước khi ông dự kiến gặp ông Putin tại Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina cuối tháng này.
Trang Bloomberg nhận định cả Tổng thống Putin lẫn Tổng thống Poroshenko đều không muốn xảy ra chiến tranh bất chấp quan hệ Nga - Ukraine có vẻ ngày càng căng thẳng liên quan đến vụ bắt giữ tàu. Một cuộc xung đột có sự tham gia của quân đội chính quy Nga đồng nghĩa con số thương vong sẽ tăng cao. Vì thế, cả hai nhà lãnh đạo sẽ cố không để đối đầu leo thang nhằm tránh tái diễn những gì tương tự cuộc chiến Nga - Georgia năm 2008.
Bình luận (0)