Sinh viên Hồng Kông nhuộm trắng đường phố từ trưa 22-9, bắt đầu một tuần bãi khóa để phản đối lập trường của chính quyền Trung Quốc về việc cải cách bầu cử ở đặc khu hành chính này.
Liên Hiệp báo (Đài Loan) và kênh Metro Radio (Hồng Kông) đưa tin hơn 10.000 người tham gia, trong khi trang tin Now News (Đài Loan) ước tính khoảng 8.000 người.
Theo mô tả của đài RTHK, ngay từ sáng 22-9, một số thanh thiếu niên đã đứng bên ngoài một trường cấp 2 để phân phát các dải ruy-băng màu vàng cho học sinh và kêu gọi họ bãi khóa. Khoảng 400 học giả và nhân viên các trường học cũng bãi công để ủng hộ học sinh, sinh viên.
Đây chỉ mới là màn dạo đầu cho một cuộc biểu tình rầm rộ hơn dự kiến diễn ra ngày 1-10 do tổ chức ủng hộ bầu cử dân chủ “Chiếm lĩnh Trung tâm” khởi xướng nhằm phản đối Bắc Kinh hạn chế ứng viên cho vị trí đặc khu trưởng Hồng Kông.
Giáo viên, sinh viên tham gia biểu tình ngồi trong khuôn viên Trường ĐH Trung Quốc
ở Hồng Kông ngày 22-9. Ảnh: REUTERS
Dù vậy, một số người chỉ trích cuộc biểu tình ngồi nêu trên sẽ khiến trung tâm hành chính của đặc khu phải đóng cửa. Giữa lúc tình hình rối ren, đài RTHK đưa tin cảnh sát bắt một người đàn ông sau khi một nhân viên an ninh bị tấn công bằng dao ở một đài truyền hình cáp tại quận Thuyền Loan.
Cùng ngày, một nhóm hơn 60 nhà tài phiệt hàng đầu Hồng Kông đã đến Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phái đoàn do cựu Đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa, hiện là Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp), dẫn đầu.
Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), đa số nhà tài phiệt Hồng Kông có lợi ích rất lớn ở đại lục nên thường hậu thuẫn hoặc im lặng trước các chính sách của Bắc Kinh.
Trước khi sang Bắc Kinh, nhóm tài phiệt nêu trên đã lên tiếng chỉ trích các nhà hoạt động dân chủ. Chủ tịch Công ty Henderson Land, ông Lý Triệu Cơ, cho rằng phương án bầu cử năm 2017 đang bị dư luận lên án là cách thức “rất tốt” để bảo đảm sự thịnh vượng của đặc khu. Theo ông, sự phản kháng của dư luận Hồng Kông sẽ làm hỏng danh tiếng của trung tâm tài chính quốc tế.
GS Willy Lam thuộc Trường ĐH Hồng Kông lập luận: “Đây là lúc Bắc Kinh gửi thông điệp đến giới tài phiệt ở đặc khu rằng nếu họ không ủng hộ Bắc Kinh một cách quyết liệt, lợi ích kinh doanh ở đại lục và Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng. Tất nhiên, thông điệp đó sẽ được truyền đạt khéo léo”.
Theo ông Lam, chuyến đi của các nhà tài phiệt thể hiện vị thế mong manh của Bắc Kinh hiện nay. “Bắc Kinh biết người dân Hồng Kông không hài lòng với cơ chế bầu cử do họ định ra. Do đó, họ cần những “ông lớn” nhiều tiền và có sức ảnh hưởng để thuyết phục dư luận” - ông lý giải. Trong khi đó, nghị sĩ Lý Trác Nhân nhận định việc Bắc Kinh tăng cường vận động giới tỉ phú Hồng Kông càng làm tăng quyết tâm của những người đòi cải cách.
Tương lai chính trị mờ mịt đang ảnh hưởng mạnh đến suy tính của cư dân Hồng Kông. Hãng tin Reuters dẫn kết quả cuộc khảo sát do Trường ĐH Trung Quốc ở Hồng Kông thực hiện từ ngày 10 đến 17-9 cho thấy hơn 1/5 người dân đặc khu đang xem xét rời khỏi đây do những lo ngại về chính trị.
Lại nổ ở Tân Cương
Hàng loạt vụ nổ tại khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc hôm 21-9 đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Các vụ nổ xảy ra tại ít nhất 3 địa điểm, gồm một khu vực mua sắm, ở huyện Luân Đài và cách thủ phủ Urumqi hơn 354 km. Giới chức địa phương cho biết lực lượng an ninh đã nhanh chóng xử lý tình huống. Cuộc điều tra đang được tiến hành nhưng hiện vẫn chưa rõ số người bị thương.
Cùng ngày, 17 quan chức và cảnh sát Tân Cương đã bị bị kỷ luật vì để xảy ra 2 vụ tấn công trong tháng 7. Theo Tân Hoa Xã, một vụ trong số đó diễn ra hôm 28-7 khiến 37 dân thường thiệt mạng, 59 “kẻ khủng bố” bị cảnh sát bắn chết và 215 nghi can bị bắt giữ. Sau đó 2 ngày, giáo sĩ Hồi giáo thân Trung Quốc Jume Tahir ở Tân Cương cũng bị sát hại.
Xuân Mai
Bình luận (0)