Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo dự kiến thăm Trung Quốc từ ngày 27-8 để thảo luận về giải pháp cho những bất đồng kinh tế, thương mại giữa 2 nước.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày này, bà Raimondo sẽ đến thủ đô Bắc Kinh và TP Thượng Hải, thảo luận với các quan chức cấp cao nước chủ nhà và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.
Bà Raimondo hy vọng có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về mối quan hệ thương mại song phương, những thách thức đối với các doanh nghiệp Mỹ và những lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Giới chức Mỹ cho biết bà Raimondo sẽ mang đến Trung Quốc thông điệp rằng Washington đang không tìm cách tách rời kinh tế với nước chủ nhà. Tuy nhiên, thông điệp này cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ bảo vệ an ninh quốc gia.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cho biết hai bên sẽ thảo luận sâu rộng về những thách thức trong quan hệ thương mại song phương.
Ông Wei Zongyou, chuyên gia tại Trường ĐH Phục Đán (Trung Quốc) nhận định với tờ China Daily rằng doanh nhân ở cả hai phía sẽ chờ xem liệu chuyến thăm của bà Raimondo có giúp Bắc Kinh và Washington tiến gần giải pháp cho các vấn đề như thuế quan bổ sung, chính sách ngăn đầu tư từ Mỹ vào công nghệ cao ở Trung Quốc... hay không.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo dự kiến thăm Trung Quốc từ ngày 27 đến 30-8. Ảnh: REUTERS
Chuyến thăm trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang dần xa cách về kinh tế và củng cố quan hệ thương mại với các nước gần mình hơn.
Washington và Bắc Kinh từng là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Tuy nhiên, Mỹ giờ đây trao đổi thương mại nhiều hơn với hai nước láng giềng Canada và Mexico. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng tăng cường quan hệ thương mại với Đông Nam Á.
Theo số liệu của Washington, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã đạt mức cao kỷ lục 690 tỉ USD năm ngoái.
Giới phân tích nhận định đây là xu hướng khu vực hóa thương mại mới nổi ở Đông và Tây Bán cầu, đe dọa gây rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu. Ông Neil Thomas, chuyên gia tại Viện Chính sách Xã hội châu Á (Mỹ), cho rằng các biện pháp hạn chế kinh tế do Mỹ và Trung Quốc áp đặt lẫn nhau bắt đầu làm thương mại chuyển hướng.
Điều này có thể góp phần thúc đẩy xu hướng khu vực hóa thương mại quốc tế, từ đó làm tăng lạm phát và cản trở tăng trưởng đối với những nước bị cuốn vào cuộc đối đầu.
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc xấu đi sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế quan bổ sung lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hồi năm 2018. Sau đó, đến lượt người kế nhiệm Joe Biden và một số đồng minh của Mỹ hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị để sản xuất chúng.
Trong tháng này, ông chủ Nhà Trắng còn ban hành sắc lệnh hạn chế các hoạt động đầu tư từ Mỹ vào một số lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc, như chip máy tính tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin lượng tử… Trong khi đó, Bắc Kinh cũng có một loạt động thái trả đũa, mới đây là hạn chế xuất khẩu 2 kim loại dùng để sản xuất chất bán dẫn.
Một số yếu tố khác cũng đang đè nặng lên mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc. Chẳng hạn như lãi suất cao ở Mỹ khiến nhu cầu sụt giảm, trong đó có nhu cầu đối với sản phẩm từ Trung Quốc. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc hiện đối mặt một số thách thức từ tiêu dùng nội địa yếu, khủng hoảng bất động sản, nợ cao…
Bà Raimondo sẽ là quan chức cấp cao Mỹ mới nhất đến Trung Quốc kể từ đầu năm đến giờ. Trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đã thăm Bắc Kinh trong hai tháng 6 và 7.
Theo chuyên gia Wei Zongyou, chính quyền Tổng thống Biden muốn thúc đẩy trao đổi và đối thoại cấp cao giữa hai bên nhằm giảm thiểu hiểu lầm và tính toán sai lầm, quản lý các khác biệt, cải thiện quan hệ và tìm kiếm sự hợp tác thiết thực.
Bình luận (0)