Theo CNN và Reuters, Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại tòa án phá sản Manhattan hôm 17-8, với các điều luật cho phép tòa án phá sản của Mỹ can thiệp khi một vụ việc liên quan đến một quốc gia khác.
Điều này sẽ giúp bảo vệ tập đoàn này khỏi các chủ nợ muốn kiện họ hoặc cầm cố tài sản ở Mỹ.
Logo trên tòa nhà của Evergrande tại TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Một chi nhánh - Tianji Holdings - tìm kiếm sự bảo vệ tương tự trong cùng ngày, cũng tại tòa án ở Manhattan.
Trước đó, đơn vị xe điện China Evergrande New Enegy Vehicle Group cũng công bố đề xuất tái cấu trúc riêng của mình hôm 14-8.
Evergrande hiện chưa trả lời đề nghị phản hồi của cả Reuters và CNN.
Gã khổng lồ bất động sản Evergrande đã gặp khó khăn và vay nợ rất nhiều nhưng không còn khả năng chi trả, vỡ nợ vào năm 2021, gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Tập đoàn này đã phải vật lộn để trả các khoản vây lên tới 2.473 tỉ nhân dân tệ (340 tỉ USD), tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, trở thành công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới.
Vào tháng trước, họ báo cáo trong một hồ sơ thị trường chứng khoán rằng đã mất 81 tỉ USD tiền của cổ đông vào các năm 2021 và 2022.
Vụ vỡ nợ năm 2021 của Evergrande đã gây thiệt hại nhiều cho các chủ sở hữu nhà và hệ thống tài chính rộng lớn hơn của Trung Quốc, kéo theo sự vỡ nợ của một số nhà phát triển bất động sản lớn khác bao gồm Kasia, Fantasia và Tập đoàn Shimao.
Các công ty vỡ nợ trong cuộc khủng hoảng nợ năm 2021 chiếm 40% doanh số bán nhà của nước này.
Gần đây nhất, một gã khổng lồ bất động sản khác của Trung Quốc là Country Garden cho biết họ "xem xét áp dụng nhiều biện pháp quản lý nợ khác nhau", cũng như lâm vào khủng hoảng thanh khoản gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể đứng trên bờ vực vỡ nợ và tạo ra một cơn địa chấn khác.
Bình luận (0)