Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo Balkan nhóm họp tại thủ đô Vienna - Áo ngày 27-8 (giờ địa phương) nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất mà châu Âu đối mặt kể từ Thế chiến thứ hai.
Mối đe dọa với châu Âu
Sự gia tăng của làn sóng người di cư chạy trốn xung đột hoặc đói nghèo ở Trung Đông, châu Phi và châu Á không chỉ gây ra căng thẳng xã hội mà còn là thử thách không nhỏ đối với nguồn tài lực và sự đoàn kết của 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Một ngày trước cuộc họp, bà Merkel tuyên bố không dung thứ cho những hành vi bạo lực nhằm chống lại người di cư khi đến thăm trung tâm dành cho người tị nạn ở TP Heidenau, nơi chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối người tị nạn vào cuối tuần rồi. Trong lúc bà Merkel có mặt, hàng trăm người tiếp tục tụ tập la ó bên ngoài trung tâm. Là quốc gia giàu nhất châu Âu, Đức có thể đón nhận đến 800.000 người tị nạn trong năm nay, cao hơn 4 lần con số năm ngoái.
Tình trạng hỗn loạn liên quan đến người di cư đã lan sang Hungary, buộc nhà chức trách phải đối phó cứng rắn. Theo Reuters, nước này đang xây hàng rào cao 3,5 m dọc 175 km biên giới với Serbia để ngăn làn sóng người di cư tràn vào - điều mà Thủ tướng Viktor Orban gọi là “mối đe dọa đối với an ninh, sự thịnh vượng và thống nhất của châu Âu”.
Ngoài ra, ông Karoly Papp, chỉ huy lực lượng cảnh sát Hungary, cho biết hơn 2.100 cảnh sát sẽ đến vùng biên giới phía Nam vào giữa tháng 9 tới cùng với trực thăng, chó nghiệp vụ và ngựa. Budapest cũng cân nhắc triển khai cả quân đội nếu tình hình xấu thêm.
Theo thống kê, có đến 2.533 người, chủ yếu là người Syria, Afghanistan và Pakistan, từ Serbia vượt qua hàng rào dây thép gai ở biên giới để sang Hungary hôm 25-8, một con số cao kỷ lục trong ngày. Nhà chức trách Hungary cho biết hơn 140.000 người di cư bị phát hiện ở biên giới kể từ đầu năm đến nay khiến lực lượng cảnh sát quá tải trong việc lấy dấu vân tay và quản lý họ.
Hôm 26-8, cảnh sát buộc phải bắn hơi cay tại một trung tâm tiếp nhận người di cư ở thị trấn biên giới Roszke sau khi khoảng 200 người tị nạn tại đây không cho lấy dấu vân tay và tìm cách rời đi.
Cần chính sách mới
Do Hungary là thành viên EU nên vào được đây, người tị nạn có thể thoải mái đến những nước khác trong khối mà không cần hộ chiếu. Theo đài CNN, đích đến của người di cư là những nước giàu có ở phía Bắc và Tây châu Âu, như: Đức, Thụy Điển...
Trước Hungary, Macedonia nóng bỏng không kém khi cảnh sát vất vả ngăn dòng người di cư từ Hy Lạp qua nước này. Sau khi xảy ra các cuộc đụng độ vào cuối tuần rồi, nhà chức trách Macedonia không còn lựa chọn nào khác là buộc phải nhượng bộ.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết mỗi ngày có 3.000 người di cư từ Hy Lạp sang Macedonia rồi tiếp tục đi Serbia để đến Hungary. “Tuyến đường Balkan” này được nhiều người Syria và Afghanistan lựa chọn trong hành trình trên bộ để đến được “miền đất hứa”.
Nhận định cuộc khủng hoảng trên khó thuyên giảm trừ khi tình hình tại Iraq và Syria cải thiện, UNHCR nhấn mạnh các nước liên quan phải đối xử nhân đạo với người di cư - phần lớn là phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi - vốn đã kiệt quệ khi đặt được chân đến châu Âu.
Trong khi đó, ông Francois Crepeau, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền của người di cư, cho rằng châu Âu đã thất bại trong việc ứng phó với khủng hoảng và cần một chính sách di cư mới. Theo ông, xây hàng rào, dùng hơi cay và những dạng bạo lực khác không thể ngăn người di cư, người tị nạn tìm đến châu Âu.
Những cái chết khổ sở
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), hơn 250.000 người đã vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu từ đầu năm đến nay, trong đó gần 2.400 người thiệt mạng. Mới nhất, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ý hôm 26-8 cho biết đã phát hiện 51 thi thể trên một chiếc thuyền ngoài khơi Libya, nguyên nhân tử vong có thể do ngạt thở. Hơn 430 người khác trên thuyền đã được tàu Poseidon của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Thụy Điển cứu sống.
Ngoài ra, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ý còn tìm thấy 4 thi thể, gồm 3 phụ nữ, trên các con tàu di cư khác trong 10 hoạt động giải cứu khác cùng ngày. Chiến dịch này đã giải cứu được khoảng 3.000 người di cư trong bối cảnh bọn buôn người ở Libya lợi dụng thời điểm biển lặng để tăng cường đưa người đến châu Âu. Những người di cư phải trả cho bọn buôn người đến 1.150 USD để “được” nhồi nhét trên những con tàu yếu ớt nói trên.
Trong một diễn biến khác, thi thể 50 người di cư bị ngạt được tìm thấy trong một xe tải tại thị trấn Parndorf thuộc tỉnh Burgenland - Áo, sát biên giới với Hungary hôm 27-8.
Xuân Mai
Bình luận (0)