Cuộc bỏ phiếu, nếu diễn ra, cũng mang tính biểu tượng cao bởi Obamacare được thông qua đúng ngày 23-3 của 7 năm trước. Thế nhưng, nó buộc phải dời sang ngày 24-3 (giờ địa phương) sau khi nội bộ GOP chưa tìm được tiếng nói chung cho dự luật thay thế Obamacare, được gọi là Đạo luật chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA, còn gọi là Trumpcare). Theo báo The Sydney Morning Herald, cuộc bỏ phiếu là canh bạc lớn với cả ông Trump và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, tác giả của bản dự thảo AHCA.
Uy tín của cả hai đã phần nào thể hiện trong hành động “nổi loạn” tại quốc hội hôm 23-3. Trước đó, Nhà Trắng có một số nhượng bộ nhằm đạt được sự ủng hộ của những nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ nhất để bảo đảm cuộc bỏ phiếu trơn tru. Thế nhưng, tới phút chót ông Ryan vẫn quyết định hoãn bỏ phiếu khi cho rằng chưa nắm chắc chiến thắng. Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng lại phản ứng theo cách không ít may rủi. “Thông qua dự luật y tế mới, còn không sẽ giữ nguyên Obamacare!” - Tổng thống Trump gửi tối hậu thư tới các nghị sĩ GOP. Vài ngày trước, ông thách thức không hề dễ nghe với các nhà lập pháp Cộng hòa: Thông qua AHCA hay là muốn mất ghế!
Quyết định hoãn bỏ phiếu phút chót được cho là sẽ đe dọa danh tiếng của vị tân tổng thống trong khi chính quyền non trẻ của ông đang vướng phải không ít rắc rối. Cuộc bỏ phiếu này vốn được xem là phép thử quan trọng về khả năng làm việc của ông Trump với quốc hội để thông qua các dự luật khác như cắt giảm thuế và chi tiêu cơ sở hạ tầng.
Động thái từ các nhà lập pháp “người nhà” của ông Trump hẳn cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trong suốt 8 năm cầm quyền của vị tổng thống tiền nhiệm, họ năm lần bảy lượt bỏ phiếu đòi “kết liễu” Obamacare. Thời cơ mười mươi tưởng như đã tới khi đảng này đang kiểm soát Nhà Trắng và cả lưỡng viện nhưng tới phút chót họ vẫn không dám chắc sẽ đủ phiếu để bảo đảm thắng lợi.
Theo đài ABC News, bãi bỏ Obamacare là lời hứa đã giúp ông Trump thu hút không ít phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Thế nhưng, trớ trêu thay, những khu vực ủng hộ vị tổng thống mạnh mẽ nhất trong cuộc bầu cử lại sẽ là nơi tổn thất nặng nề nhất nếu “Trumpcare” có hiệu lực, theo phân tích dữ liệu mới nhất từ đài ABC News. Lý do là những cử tri ở các khu vực này chủ yếu là người lớn tuổi và thu nhập thấp nên “vô tình” trở thành đối tượng bị cắt giảm trợ cấp y tế nhiều nhất của dự thảo “Trumpcare”.
Bình luận (0)