Mãi đến khi cha ông, Salman bin Abdulaziz, lên ngôi vào tháng 1-2015, người ta mới biết nhiều đến vị hoàng tử còn có tên viết tắt là MbS này. Được cha bổ nhiệm làm Phó Thái tử, MbS thường che mờ cả Thái tử Mohammed bin Nayef, 57 tuổi, khi trở thành bộ mặt của Ả Rập Saudi ở nước ngoài và các cuộc cải cách trong nước.
MbS trực tiếp phụ trách chính sách đối ngoại và ban hành chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng vào năm ngoái.
Thái tử Mohammed bin Salman (phải) tại một buổi lễ ở Mecca - Ả Rập Saudi hôm 21-6 Ảnh: Reuters
Đến giữa tuần này, Quốc vương Salman chính thức khép lại mọi phỏng đoán khi quyết định đưa MbS lên làm Thái tử, qua đó bảo đảm người con 31 tuổi này nối ngôi một khi ông thoái vị hoặc qua đời. Đây là dấu hiệu cho thấy Ả Rập Saudi đặt cược tương lai kinh tế vào những chính sách đang được MbS theo đuổi.
Dù vậy, "sự đổi ngôi" bất ngờ và chóng vánh cũng dấy lên những nỗi lo nhất định bởi dù gì cựu Thái tử Nayef, cháu của Vua Salman, được đánh giá là người dày dạn kinh nghiệm hơn hẳn MbS và là đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Mối bận tâm cũng được dành cho chính sách đối ngoại bị xem là mang tính "diều hâu" và can thiệp nhiều hơn của MbS.
Với nhiều người dân, MbS là nhân vật cải cách khi tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của đất nước, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và nói về quyền của phụ nữ. Ông còn xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo năng động, muốn đưa đất nước vào kỷ nguyên hiện đại. Xét theo một số khía cạnh, MbS chính là nhà lãnh đạo mà đất nước có khoảng 70% người dân dưới 30 tuổi này cần trước những thách thức về công ăn việc làm và nhà ở hợp túi tiền. Một phần nội dung kế hoạch "Tầm nhìn 2030" của ông có đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp từ 12% xuống còn 7%.
Tuy nhiên, không ít người xem tân Thái tử Ả Rập Saudi là người khinh suất, bốc đồng, có những tham vọng phi thực tế và ham muốn quyền lực. Họ lo ngại điều này không chỉ khiến Ả Rập Saudi mà còn cả vùng Vịnh gặp nguy hiểm. MbS là kiến trúc sư chiến dịch ném bom của Ả Rập Saudi ở Yemen, lấy lý do chống lại nhóm phiến quân Houthi.
Theo lập luận của Riyadh, nhóm Houthi là đại diện của Iran và việc để họ "lộng hành" ngay tại sân sau của Ả Rập Saudi có thể gây hại đến lợi ích của mình. Thế nhưng, chiến dịch quân sự kéo dài hơn 2 năm qua vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra mà chỉ gây thêm khủng hoảng nhân đạo tại một trong những nước nghèo nhất thế giới Ả Rập.
Chưa hết, chính sách đối ngoại cứng rắn của Ả Rập Saudi cũng thể hiện rõ qua sự leo thang lập trường chống Iran mà mới đây nhất là nỗ lực phong tỏa Qatar. "Sự thăng tiến vượt bậc của MbS có thể đồng nghĩa với những bước đi diều hâu hơn về chính sách đối ngoại từ Ả Rập Saudi và những nỗ lực đối đầu Iran mạnh mẽ hơn… Câu hỏi quan trọng lúc này là (Riyadh) sẽ có động thái nào tiếp theo để chống lại ảnh hưởng của Iran?" - bà Helima Croft, chuyên gia của Công ty RBC Capital Markets (Canada) nhận định với Reuters.
Tờ The New York Times nhận định MbS đã hành động mà không suy nghĩ thấu đáo về hậu quả đối với cả Yemen và Qatar. Vì thế, điều vị vua tương lai của Ả Rập Saudi này cần là sự hướng dẫn của những người có nhiều kinh nghiệm hơn, trong đó có cả thái tử mới bị phế truất.
Bình luận (0)