Trong vụ mới nhất sáng 14-5, Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia Tito Karnavian cho biết một gia đình gồm 5 thành viên đi trên 2 chiếc xe máy lao đến chốt kiểm soát an ninh bên ngoài sở cảnh sát Surabaya rồi kích nổ bom. Theo báo Straits Times (Singapore), ông Tito cho biết chất nổ được dùng trong vụ tấn công được gọi là "Mẹ của Satan", có đặc tính dễ bay hơi, sức công phá cao và rất dễ chế tạo.
Theo hãng tin Reuters, bé gái 8 tuổi trong gia đình này may mắn sống sót trong khi cha mẹ và 2 anh trai của em thiệt mạng cùng 4 cảnh sát. Ngoài ra, 6 dân thường bị thương.
Nói về động cơ đánh bom, ông Tito cho hay gia đình này nhận chỉ thị từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhằm trả đũa vụ bắt giữ giáo sĩ cực đoan Aman Abdurrahman, người dự kiến ra tòa vào ngày 18-5 vì cáo buộc chủ mưu vụ khủng bố ở trung tâm thủ đô Jakarta hồi năm 2016 làm chết 4 người. Gia đình này cũng tìm cách trả thù vụ bắt giữ Zainal Ansori, kẻ cầm đầu mạng lưới Jemaah Ansharut Daulah (JAD) địa phương có liên hệ với IS, hồi năm ngoái.
Cảnh sát canh giữ bên ngoài trụ sở cảnh sát TP Surabaya ngày 15-5 Ảnh: REUTERS
Trong cuộc họp ngay sau vụ tấn công mới nhất, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố sẽ ban hành luật khẩn cấp về các biện pháp chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh sẽ loại trừ chủ nghĩa khủng bố.
Một ngày trước vụ nổ bom hôm 14-5, một gia đình 6 thành viên, gồm 2 bé gái 9 tuổi và 12 tuổi, cùng nhau đánh bom tự sát tại 3 nhà thờ ở TP Surabaya, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương. Theo đài BBC, người cha trong gia đình này là thủ lĩnh của JAD ở Surabaya và IS cũng lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Chỉ vài giờ sau đó, theo hãng tin AP, một vụ nổ bom tự chế xảy ra tại khu căn hộ cách TP Surabaya khoảng 30 km khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng và 2 người khác bị thương.
Ông Taufik Andrie, giám đốc tổ chức hỗ trợ các tay súng từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và hòa nhập cộng đồng, cho rằng việc sử dụng trẻ em trong các cuộc tấn công là hành động khủng khiếp. "Điều này cho thấy hệ tư tưởng cực đoan có thể lôi kéo trẻ em. Trẻ em không có sự lựa chọn và không thể hiểu được các hành động liên quan đến khủng bố" - ông Andrie nhận định.
Theo các chuyên gia an ninh, đây là lần đầu tiên trẻ em bị sử dụng trong các vụ khủng bố ở Indonesia. Chuyên gia phân tích khủng bố Indonesia Stanislaus Riyanta cho rằng việc sử dụng một gia đình đi khủng bố nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát.
Là đất nước có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới, Indonesia nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á hứng chịu nhiều vụ tấn công do các nhóm liên hệ với IS thực hiện trong những năm gần đây. IS đã đẩy mạnh truyền bá ở Đông Nam Á sau vụ tấn công thủ đô Jakarta năm 2016.
Năm ngoái, Tư lệnh quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo cảnh báo IS đã lan đến hầu hết tỉnh của nước này. Có đến 30 nhóm tay súng Indonesia thề trung thành với IS trong khi hàng trăm người Indonesia bị cho là đã đến Syria và Iraq chiến đấu cho IS.
Bình luận (0)