Giá dầu thế giới hôm 8-3 dao động sát mức cao nhất trong gần 14 năm qua giữa lúc có thông tin Mỹ cân nhắc cấm nhập khẩu dầu Nga mà không cần sự tham gia của các đồng minh châu Âu.
Một động thái như thế có thể xoa dịu nỗi lo về tình trạng gián đoạn nguồn cung rộng lớn hơn. Theo Reuters, giá dầu thô Brent giao sau có lúc tăng lên 125,19 USD/thùng.
Thị trường dầu đang chịu nhiều sức ép sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 7-3 cho biết đang trao đổi với Anh, Pháp, Đức về lệnh cấm nói trên nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Dù vậy, giới chức Mỹ sau đó tiết lộ Washington sẵn sàng đơn phương thực thi biện pháp cấm vận dầu Nga sau khi giữa các đồng minh này không tìm được tiếng nói chung.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh Berlin đang đẩy nhanh kế hoạch tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế nhưng không thể ngưng nhập khẩu năng lượng Nga trong một sớm một chiều.
Mở rộng ra, theo ông Scholz, dầu khí Nga hiện đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống hằng ngày của người dân châu Âu và việc cấm nguồn cung này có thể gây rủi ro cho an ninh năng lượng của châu lục này.
Giá nhiên liệu được điều chỉnh tại một trạm xăng ở TP Brasilia - Brazil hôm 7-3 Ảnh: REUTERS
Nga hiện xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỗi ngày. Ông Mohammad Barkindo, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đánh giá hiện chưa có nguồn cung nào có thể thay thế mức xuất khẩu 7 triệu thùng/ngày.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu sản lượng nói trên bị ngăn tiếp cận thị trường toàn cầu, giá dầu có thể tăng lên 200 USD/thùng. Riêng ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) hôm 8-3 đã tăng mức dự báo về giá dầu Brent trong 2 năm 2022 và 2023 (135 USD và 115 USD/thùng), cũng như cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt "các cú sốc năng lượng lớn nhất từ trước đến giờ", nhất là khi Nga đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Trước đó một ngày, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cảnh báo các nước phương Tây có thể đối mặt mức giá dầu thô hơn 300 USD/thùng và việc đóng cửa tuyến đường ống Nord Stream 1 nếu Moscow hiện thực hóa lời đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Khi đó, các thị trường năng lượng có thể càng thêm hỗn loạn và giá tiêu dùng bị đẩy lên cao hơn nữa. "Một điều rõ ràng là hành động từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho thị trường toàn cầu" - ông Novak cảnh báo. Cũng theo Phó Thủ tướng Nga, các nước châu Âu sẽ mất hơn 1 năm để tìm đủ lượng dầu thay thế số lượng mua của Nga, cũng như sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
Trong nỗ lực tìm kiếm biện pháp hạ nhiệt thị trường dầu, các cố vấn của Tổng thống Joe Biden đang bàn về khả năng nhà lãnh đạo này thăm Ả Rập Saudi thời gian tới để giúp cải thiện quan hệ và thuyết phục Riyadh tăng sản lượng khai thác.
Theo trang Axios, Mỹ và Ả Rập Saudi hiện còn hục hặc sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi nên một chuyến đi như thế, nếu diễn ra, sẽ nêu bật mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay.
EU không dễ giảm phụ thuộc khí đốt Nga
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự kiến nhất trí giảm dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than nhập khẩu từ Nga tại cuộc họp ở Pháp trong 2 ngày 10 và 11-3. Đây được xem là bước ngoặt trong chính sách của EU đối với Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) gần đây cũng đưa ra lộ trình giúp EU đạt mục tiêu nói trên. Lộ trình này gồm các biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu, tăng tốc chuyển sang năng lượng tái tạo và tập trung cải thiện hiệu quả năng lượng. "Việc Nga sử dụng các nguồn khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí kinh tế và chính trị cho thấy châu Âu cần phải nhanh chóng hành động để sẵn sàng đối mặt với tình trạng bất ổn lớn về nguồn cung khí đốt của Nga vào mùa đông tới" - Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không dễ để EU nhanh chóng loại bỏ nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bởi 2 lý do: sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung này và cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngay cả IEA cũng thừa nhận lộ trình trên có thể chỉ giúp EU giảm 1/3 lượng khí đốt tự nhiên mua của Nga trong vòng một năm trong lúc vẫn tuân thủ Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) - một thỏa thuận nhằm cắt giảm ít nhất 55% lượng phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990.
Theo IEA, hiện EU nhập khẩu 155 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga trong năm 2021, chiếm 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khu vực này. Việc chuyển từ đốt khí tự nhiên sang đốt than là một giải pháp khả thi nhanh chóng về mặt kỹ thuật nhưng sẽ không giúp EU đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra.
Xuân Mai
Bình luận (0)