Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7-3 hội đàm trực tuyến với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Anh trong lúc chính quyền của ông vận động các quốc gia này hỗ trợ lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Theo một quan chức giấu tên của Mỹ, chưa có quyết định cuối cùng nhưng "nhiều khả năng chỉ mỗi Mỹ" cấm vận dầu của Nga.
Đức, quốc gia mua dầu thô Nga lớn nhất thế giới, đã từ chối kế hoạch ngừng nhập khẩu năng lượng Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7-3 tuyên bố quốc gia của ông đang đẩy nhanh kế hoạch tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thay thế nhưng trước mắt chưa thể ngừng nhập khẩu năng lượng Nga.
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do sự chậm trễ trong khả năng quay lại thị trường toàn cầu của dầu thô Iran giữa lúc Mỹ và các đồng minh châu Âu xem xét cấm vận dầu Nga.
Nhiều nước châu Âu khẳng định họ chưa thể ngừng nhập khẩu dầu Nga. Ảnh: Reuters
Châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô và khí đốt Nga nhưng đã cởi mở hơn với ý tưởng ngừng nhập khẩu dầu của quốc gia này kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Kiev.
Mỹ dù không quá phụ thuộc vào năng lượng Nga nhưng lệnh cấm vận dầu Nga (nếu có) cũng sẽ khiến giá xăng dầu tại quốc gia này tiếp tục leo thang. Chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang xem xét tác động của lệnh cấm này đối với giá năng lượng Mỹ và thị trường dầu toàn cầu.
Khi được hỏi liệu Washington có loại trừ khả năng đơn phương cấm nhập khẩu dầu Nga hay không, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 7-3 đáp: "Tôi sẽ không loại trừ khả năng thực hiện hành động theo cách này hay cách khác…nhưng trong mọi thứ chúng tôi đã làm, cách tiếp cận đều bắt đầu bằng việc phối hợp với các đồng minh và đối tác".
Cùng lúc, Nhà Trắng không phủ nhận thông tin Tổng thống Biden có thể đến Ả Rập Saudi trong bối cảnh Washington tìm cách thuyết phục Riyadh tăng cường sản xuất năng lượng.
Tổng thống Joe Biden cam kết cùng đồng minh buộc Nga "trả giá đắt" vì hành vi gây hấn ở Ukraine nhưng trong chuyện cấm vận dầu Nga, Mỹ có thể phải hành động một mình. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)