Theo NSPCC, những đứa trẻ này được giấu kín ở trại tị nạn nhằm qua mặt nhà chức trách bản địa. Sau đó, chúng được đưa tới Anh thông qua eo biển Manche.
Các nhà điều tra của NSPCC cho biết không chỉ trẻ em Việt Nam, nhiều nạn nhân đến từ các quốc gia trên khắp thế giới cũng trở thành mục tiêu của bọn buôn người.
Trong khi phải vượt qua hàng ngàn km trên biển và đất liền, các em còn bị ngược đãi về thể chất cũng như bị lạm dụng tình dục. Tổ chức từ thiện Anh lo ngại chúng sẽ bị bóc lột tình dục, sức lao động, cưỡng hôn và biến thành tội phạm một khi đặt chân tới vương quốc Anh.
Do không có người giám hộ, lại nhỏ tuổi (có em chỉ mới lên 9) nên các em này dễ trở thành con mồi cho bọn buôn người khi chúng nhòm ngó tới "rừng" Calais (tên gọi thông thường của khu tị nạn).
Trung tâm tư vấn về nạn buôn bán trẻ em (CTAC) trực thuộc NSPCC, tin rằng trẻ em Việt Nam bị những kẻ buôn người nhắm đến nhiều nhất tại "rừng" Calais.
Ông Peter Wanless, giám đốc điều hành NSPCC, cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn và nguy hiểm, nơi trẻ em bị các băng nhóm tội phạm đưa tới TP Calais”.
Hiện NSPCC đang điều tra vụ 72 đứa trẻ bị mất tích khỏi trại tị nạn này. Hồi tháng 5, chính phủ Anh cam kết đẩy mạnh nỗ lực trợ giúp trẻ di cư sau áp lực từ các nhà hoạt động.
Hôm 31-8, Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh yêu cầu Bộ Nội vụ đưa ra con số trẻ tị nạn không người giám hộ được đoàn tụ với các gia đình ở Anh. Cho đến nay, chỉ có khoảng 40 đứa trẻ từ TP Calais đến Anh theo quy chế tị nạn Dublin của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, ước tính ít nhất 200 đứa trẻ ở Calais được hưởng quy chế tị nạn này.
Bình luận (0)