Thảm họa trên xảy ra trong bối cảnh nhiều năm xung đột và đất nước bị chia cắt, thiếu một chính phủ trung ương đã khiến cơ sở hạ tầng của quốc gia Bắc Phi này đổ nát, dễ bị tổn thương trước những trận mưa dữ dội. Liên Hiệp Quốc cho biết Libya hiện là nước duy nhất chưa đề ra chiến lược khí hậu.
TP Derna ở miền Đông Libya là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất. Hầu hết TP Derna được xây dựng trong nửa đầu thế kỷ XX. Người dân địa phương cho biết dấu hiệu nguy hiểm duy nhất trước thảm họa là tiếng nứt lớn của đập nhưng không có hệ thống cảnh báo hoặc kế hoạch sơ tán nào.
Hiện miền Đông Libiya do lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) kiểm soát, trong khi Chính phủ Thống nhất quốc gia nắm quyền ở miền Tây. Cả hai chính quyền này đều hứa hỗ trợ vùng thảm họa nhưng cộng đồng quốc tế lo ngại rằng sự chia rẽ sẽ dẫn đến việc phối hợp không được suôn sẻ.
Khung cảnh đổ nát tại TP Derna - Libya hôm 12-9 Ảnh: REUTERS
Theo một số chuyên gia, thảm họa nói trên còn phát đi thông điệp cảnh báo về những gì có thể xảy ra với khu vực này thời gian tới. Sau khi khiến 15 người thiệt mạng ở Hy Lạp vào tuần rồi, bão Daniel đã gây mưa lớn dẫn đến lũ lụt kinh hoàng ở Libya.
Chuyên gia khí hậu Christos Zerefos tại Hy Lạp ước tính lượng mưa trút xuống quốc gia này đạt mức cao kỷ lục và hiện tượng này có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian tới do biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, một quốc gia Bắc Phi khác là Morocco vẫn đang vật lộn với hậu quả nặng nề của trận động đất xảy ra vài ngày trước đó. Hiện số người tử vong đã tăng trên 2.900 trong lúc hơn 5.500 người bị thương.
Một số nhóm cứu hộ bày tỏ sự thất vọng khi Morocco hiện vẫn không chấp thuận thêm đề nghị hỗ trợ từ các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Pháp. Theo Reuters, hiện chỉ có các đội của Tây Ban Nha, Qatar, Anh, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tham gia nỗ lực cứu hộ tại Morocco.
Tuy nhiên, một số chuyên gia viện trợ chỉ ra rằng công tác cứu hộ có thể bị cản trở nếu có quá nhiều nhóm tham gia mà không có sự điều phối. Một thách thức khác là đưa họ đến được vùng thảm họa ở nơi hẻo lánh, địa hình hiểm trở...
Bình luận (0)