Đó là cảnh báo được một nhóm các chuyên gia quốc tế đưa ra hôm 18-9, cùng với lời kêu gọi chính phủ các nước chuẩn bị các biện pháp giảm nhẹ hiểm họa này.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát sẵn sàng toàn cầu (GPMB), các virus có khuynh hướng gây đại dịch như Ebola, cúm và SARS ngày càng khó ứng phó trong bối cảnh thế giới đối mặt không ít cuộc xung đột kéo dài, tình trạng di cư… "Nguy cơ bùng phát đại dịch lan rộng trên thế giới là mối đe dọa thật sự" - báo cáo nhận định. Với số lượng lớn người di chuyển bằng máy bay trên thế giới hằng ngày, một đợt bùng phát bệnh lây qua đường không khí có thể lây lan khắp toàn cầu trong chưa đầy 36 giờ, ước tính khiến 50-80 triệu người tử vong và GDP toàn cầu giảm 5%
Xe cứu thương chờ đưa một người nghi nhiễm Ebola tại TP Goma - CHDC Congo hồi tháng 8-2019 Ảnh: Reuters
Cũng theo báo cáo của GPMB, một số chính phủ và cơ quan quốc tế đã nỗ lực chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát đại dịch kể từ khi xảy ra dịch bệnh Ebola ở Tây Phi giai đoạn 2014-2016. Tuy nhiên, những nỗ lực này được đánh giá là vẫn chưa đủ. Vì thế, trong trường hợp xảy ra một đại dịch, hệ thống y tế của nhiều quốc gia, nhất là tại những nước nghèo, sẽ sụp đổ.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kêu gọi các nước rút ra bài học từ các đại dịch trước đó bằng cách đầu tư củng cố các hệ thống y tế, tăng cường ngân sách dành để nghiên cứu công nghệ mới, nâng cao năng lực điều phối và hệ thống thông tin liên lạc nhanh chóng… Trước đó, WHO vào đầu năm nay cảnh báo rằng một đại dịch cúm nữa là điều khó tránh và thế giới nên chuẩn bị cho kịch bản xấu này.
Bình luận (0)