Sở Cảnh sát TP Phoenix cho biết Brisbon, 34 tuổi, đang ngồi trong một chiếc xe hơi tối 2-12 thì bị cảnh sát yêu cầu kiểm tra sau khi có hai nhân chứng báo người này đang bán ma túy.
Tuy nhiên, người đàn ông da đen này không nghe lệnh và “dường như tìm cách loại bỏ một thứ gì đó ở ghế sau xe hơi”, theo lời cảnh sát có mặt tại hiện trường.
Viên cảnh sát- với 7 năm kinh nghiệm – đã ra lệnh cho Brisbon xòe tay ra để kiểm tra nhưng “nghi phạm” đặt tay lên thắt lưng rồi bỏ chạy.
Sau khi đuổi kịp, viên cảnh sát lo sợ Brisbon có một khẩu súng trong túi nên đã bắn 2 phát đạn vào ngực nghi phạm. Người đàn ông sau đó chết tại hiện trường dù được nhân viên y tế tận tình cứu chữa.
Kết quả khám xét cho thấy trong túi Brisbon chỉ là những viên thuốc thay vì một khẩu súng như viên cảnh sát tưởng tượng. Sĩ quan 30 tuổi này không bị thương sau vụ nổ súng.
Cảnh sát Phoenix tìm thấy trong xe hơi của Brisbon một số viên thuốc oxycodone (thuốc giảm đau gây ngủ tương tự như morphine, được xem như một loại chất ma túy), một khẩu súng ngắn bán tự động và một bình cần sa.
Đêm 4-12, khoảng 200 người biểu tình tuần hành đến trước trụ sở cảnh sát địa phương để phản đối vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da đen không vũ trang.
Vụ việc nói trên nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng chủng tộc tại Mỹ, nhất là sau khi hai bồi thẩm đoàn Mỹ quyết định không buộc tội cảnh sát da trắng trong cái chết của 2 người da đen ở TP Ferguson và TP New York mới đây.
Tại TP New York, hàng ngàn người, bao gồm cả người da trắng, tuần hành trên các con đường ở quận Manhattan từ đêm 4-12 để phản đối quyết định không truy tố sĩ quan Daniel Pantaleo về tội “chẹt cổ” ông Eric Garner, 43 tuổi, một người da đen dẫn đến tử vong.
Cảnh sát bắt một người biểu tình ở TP New York vào rạng sáng 5-12 (giờ địa phương). Ảnh: AP
Căng thẳng gia tăng khi 3.000 người biểu tình tụ tập ở Quảng trường Thời đại khoảng 1 giờ trước lúc nửa đêm, hét vào đám đông cảnh sát đang vãn hồi trật tự: “Các người bảo vệ ai?”.
Hàng trăm nhân viên an ninh phải dồn người biểu tình lên vỉa hè, giải tỏa các con đường. Đã xảy ra một số vụ bắt giữ nhưng bạo lực không bùng phát.
Làn sóng tuần hành sau đó vượt qua 2 cây cầu nối quận Manhattan và Brooklyn, chặn các con đường rồi tập trung ở bến phà khu vực Staten Island, nơi ông Garner thiệt mạng.
Một người biểu tình tên Chesray Dolpha, 31 tuổi, hét vào mặt cảnh sát: “Chúng tôi không gây bạo lực. Chúng tôi không đụng chạm gì tới các người, chứ các người đang làm gì với cây gậy đó, hả những người anh em”. Đáp lại, cảnh sát chỉ nhìn mà không phản ứng gì khác.
Một cuộc biểu tình ở TP Boston. Ảnh: Reuters
Tại một loạt thành phố khác, như Minneapolis, Chicago, Boston, Oakland...một số cuộc biểu tình nhỏ bùng phát, với sự tham gia của hàng chục đến hàng trăm người dân. Một ga tàu điện ngầm ở TP Oakland bị đóng cửa do tình hình hỗn loạn.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder hôm 4-12 tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra độc lập, nhanh chóng và minh bạch. Trong khi Thị trưởng TP New York Bill de Blasio hứa hẹn sẽ cải thiện mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát và cộng đồng da màu thiểu số.
Bình luận (0)