Theo AP, Đan Mạch đã giết chết 2,5 triệu con chồn vizon – có số liệu nói con số này đã lên đến hơn 10 triệu - sau khi phát hiện loài thú có túi nhỏ nói trên mang trong người một dòng virus corona đặc biệt nguy hiểm.
Nhiều con chồn xấu số được chôn dưới những hố đất nông trong một thao trường quân sự ở bên ngoài thị trấn Holstebro, vùng Tây Jutland.
Xác chồn được đưa đi khỏi một nông trại ở Gjoel, Đan Mạch. Ảnh: AP
Tuy nhiên, một hiện tượng tự nhiên đã đẩy xác chúng trở lại mặt đất. "Xác chúng phân hủy, tạo ra các loại khí làm trương phình toàn bộ hố chôn. Trong trường hợp xấu nhất, xác chồn bị đẩy trở lên mặt đất" – người phát ngôn cảnh sát Thomas Kristensen nói với đài truyền hình quốc gia DR.
Đan Mạch đã giết chết 2,5 triệu con chồn vizon – có số liệu nói con số này đã lên đến hơn 10 triệu
AP cho biết thêm chồn được chôn dưới 1 m đất song bụi đất ở khu vực này quá nhẹ nên không nén được xác chúng. Bộ Môi trường Đan Mạch nói lẽ ra phải chôn chúng dưới 1,5 m đất.
Hiện người ta lo sợ nguồn nước uống trong vùng sẽ bị nhiễm bẩn bởi các hố chôn tập thể trên nằm quá gần một hồ nước. Giám đốc Susan Münster của công ty nước Danske Vandværker bày tỏ: "Không thể hiểu nổi tại sao lại chôn chồn ở địa điểm trên. Chúng tôi không biết được những loại chất gì sẽ ngấm vào nguồn nước mà sau đó người dân sử dụng".
Thông cáo của Danske Vandværker cho biết nước do người dân tự khai thác, như đào giếng, có nguy cơ nhiễm bẩn đặc biệt cao.
Hàng ngàn con chồn được chôn ở thao trường Jydske Dragonregiment gần thị trấn Holstebro hôm 12-11. Ảnh: REUTERS
Hóa chất tẩy trùng được xịt ở một hố chôn chồn. Ảnh: AP
Trước tình hình đó, bộ môi trường khẳng định việc xác chồn thoát khỏi hố chôn là "vấn đề tạm thời xảy ra do quá trình phân hủy" và họ sẽ giám sát 24/24 để đảm bảo an toàn cho người dân và động vật trong vùng.
Chồn vizon được nuôi để khai thác những bộ lông đặc biệt mềm mại và đẹp đẽ. Đan Mạch là một trong những nước xuất khẩu lông chồn vizon lớn nhất thế giới, với khoảng 17 triệu bộ/năm. Quyết định "trảm" hàng loạt chồn vizon không chỉ khiến ngành công nghiệp này khốn đốn mà còn làm chính phủ Đan Mạch hứng chỉ trích dữ dội.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu vì sao chồn vizon nhiễm virus và liệu chúng có truyền bệnh cho người hay không. Theo AP, một số chồn có thể nhiễm virus từ các công nhân bị lây nhiễm trong khi giới chức Đan Mạch nói vài công nhân nông trại nhiễm virus từ chồn. Lệnh giết chồn ở Đan Mạch được đưa ra sau khi virus trên bị phát hiện ở 63 trang trại.
Dòng virus corona biến thể trên chồn nói trên được đặt tên là Cluster 5. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo kháng thể chống virus corona có ít tác dụng với Cluster 5, khiến nó trở thành một dòng nguy hiểm hơn.
Hàng triệu con chồn vizon đã bị giết ở Đan Mạch, nhiều con trong số đó vẫn khỏe mạnh. Ảnh: AP
Thủ tướng bật khóc
Hôm 26-1, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen bật khóc khi bà ngỏ lời xin lỗi vì quyết định giết chồn hàng loạt.
Bà Frederiksen đi thăm một nông trại chồn ở vùng Kolding, nơi những con vật bị sát hại dù vẫn khỏe mạnh. "Tôi xin lỗi vì những gì xảy ra, đã có sai sót xảy ra" – bà Frederiksen nói với đài TV2. Nhiều lần bà Mette Frederiksen nghẹn lời lau nước mắt, đồng thời khẳng định đây không phải là lỗi của những người nuôi chồn.
Nữ Thủ tướng Mette Frederiksen bật khóc khi nói lời xin lỗi hôm 26-11. Ảnh: Reuters
Bà Frederiksen (phải) và người nuôi chồn Peter Hindbo bước đi trong nông trại trống rỗn. Ảnh: EPA
Video: Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen bật khóc khi bà ngỏ lời xin lỗi vì quyết định giết chồn hàng loạt.
Bình luận (0)