Nước Anh có thể phê duyệt cấp phép đối với vắc-xin của 2 công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) sớm nhất là trong tuần này, thậm chí trước cả Mỹ và lên kế hoạch tiêm chủng từ ngày 1-12.
Đặt mua 40 triệu liều
Tờ Telegraph (Anh) hôm 22-11 đưa tin Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắc-xin của Pfizer và BioNTech, dự kiến có 10 triệu liều để tiêm phòng cho khoảng 5 triệu người trước cuối năm nay nếu được cấp phép.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn xác nhận Đức cũng có thể bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ngay trong tháng tới. Đức sẽ có hơn 300 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 thông qua Ủy ban châu Âu, các hợp đồng song phương và nhiều lựa chọn khác. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết nước này sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn diện vào tháng 1-2021 và dự kiến "phủ sóng" vắc-xin cho phần lớn dân số trong 3 tháng.
Tại Mỹ, người đứng đầu chương trình vắc-xin của Mỹ, ông Moncef Slaoui, thông tin những người Mỹ đầu tiên có thể được tiêm vắc-xin sớm nhất là vào ngày 11-12, theo đài CNN. Ông Slaoui cho hay Ủy ban Cố vấn vắc-xin của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ nhóm họp vào ngày 10-12 để xem xét cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin của Pfizer và BioNTech.
Ông Slaoui nói thêm chính quyền sẽ ngay lập tức triển khai vắc-xin sau khi được cấp phép và người dân sẽ bắt đầu được tiêm chủng. Chuyên gia này ước tính đến tháng 5-2021, khoảng 70% trong tổng số 330 triệu người Mỹ sẽ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, đạt mức miễn dịch cộng đồng và người dân có thể trở lại sinh hoạt bình thường như trước đại dịch.
Theo dữ liệu từ Trường ĐH Johns Hopkins, hơn 3 triệu trường hợp mắc mới đã được ghi nhận từ ngày 1 đến 22-11, chiếm 1/4 tổng số ca mắc kể từ khi dịch bùng phát. Hiện Mỹ ghi nhận hơn 12,5 triệu ca mắc và hơn 262.000 ca tử vong do Covid-19.
Một nhân viên kiểm tra các tủ đông lạnh chứa vắc-xin ngừa Covid-19 ở cơ sở của Công ty Pfizer tại khu Puurs - Bỉ Ảnh: Reuters
Đua sản xuất và đua về giá
Sau hàng loạt kết quả thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 đáng khích lệ trong vài tuần gần đây, Hãng dược AstraZeneca (Anh) hôm 23-11 cho biết phân tích sơ bộ về các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc-xin của họ có hiệu quả lên đến 90% trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Trước đó, các công ty Pfizer (Mỹ) cùng BioNTech (Đức) và Moderna đều công bố vắc-xin của họ hiệu quả khoảng 95%.
Theo đài CNBC, vắc-xin của AstraZeneca, được phát triển với sự hợp tác của Trường ĐH Oxford, đã được đánh giá qua 2 chế độ dùng thuốc khác nhau. Một chế độ dùng thuốc cho thấy hiệu quả là 90% khi những người tham gia thử nghiệm nhận được nửa liều, sau đó là một liều đầy đủ cách nhau ít nhất một tháng. Loại còn lại cho thấy hiệu quả 62% khi dùng 2 liều đầy đủ cách nhau ít nhất một tháng.
AstraZeneca cũng cho biết vắc-xin của họ có thể được bảo quản, vận chuyển và lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ từ 2,2-7,7 độ C trong ít nhất 6 tháng và được sử dụng trong các cơ sở y tế hiện có. AstraZeneca đang đạt được tiến bộ nhanh chóng về mặt sản xuất với khả năng sản xuất lên đến 3 tỉ liều vắc-xin vào năm tới trong khi chờ phê duyệt theo quy định.
Song song với cuộc đua thử nghiệm còn có cuộc đua về giá vắc-xin giữa các công ty. Các nhà phát triển vắc-xin Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga tuyên bố vắc-xin của họ có giá thấp hơn nhiều so với giá công bố của Pfizer và Moderna.
Các nhà phát triển vắc-xin Sputnik V bao gồm Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Viện Gamaleya cho biết: "Giá công bố của Pfizer là 19,5 USD và Moderna là 25-37 USD/liều. Điều đó có nghĩa là giá của chúng vào khoảng 39 USD và 50-74 USD/người. Cả vắc-xin của Pfizer, Moderna lẫn Sputnik V đều cần sử dụng 2 liều/người. Giá của vắc-xin Sputnik V sẽ thấp hơn nhiều".
Theo tờ Live Mint (Ấn Độ), các mẫu vắc-xin Sputnik V đã được chuyển tới Ấn Độ, Hungary, Armenia, Belarus và một số quốc gia khác để tiến hành thử nghiệm. Hiện thế giới ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 lần lượt là hơn 59 triệu và gần 1,4 triệu.
Trung Quốc xét nghiệm quy mô lớn
Các nhà chức trách Trung Quốc đang xét nghiệm hàng triệu người, áp dụng biện pháp phong tỏa và đóng cửa một số trường học sau khi nhiều trường hợp nhiễm mới trong cộng đồng được phát hiện ở 3 thành phố Thiên Tân, Thượng Hải và Mãn Châu Lý hồi tuần trước. Theo hãng tin AP hôm 23-11, nhiều chuyên gia và quan chức chính phủ Trung Quốc cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 lây lan sẽ cao hơn khi thời tiết chuyển lạnh. Các ca nhiễm mới ghi nhận cho thấy dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ tái bùng phát dù dịch bệnh đã được kiểm soát phần lớn ở Trung Quốc. Hiện nền kinh tế thứ hai thế giới ghi nhận 86.442 trường hợp nhiễm và 4.634 trường hợp tử vong kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở TP Vũ Hán vào cuối năm ngoái.
Bình luận (0)