Hôm 15-3, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cho biết không có lý do nào để tin rằng ông Trump bị chính quyền Tổng thống Obama nghe lén điện thoại trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái.
Ông Devin Nunes, thành viên đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cũng khẳng định ông không tìm thấy bằng chứng có thể ủng hộ cáo buộc của nhà lãnh đạo Mỹ.
Ông Nunes cho rằng những cáo buộc mà Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm 4-3 không nên được đưa ra một cách hời hợt như vậy. “Đưa ra những thông điệp trên Twitter theo nghĩa đen? Nếu vậy, rõ ràng tổng thống đã sai” - ông Nunes nói.
Theo hãng tin AP, cáo buộc của ông Trump nhằm vào cựu Tổng thống Obama đặt ông chủ Nhà Trắng vào tình thế đầy nguy hiểm trong bối cảnh quốc hội đang điều tra sự liên quan của Nga đối với cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 cũng như sự liên lạc có thể có giữa Điện Kremlin và các trợ lý của ông Trump. Ngoài quốc hội, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng mở cuộc điều tra riêng.
Nếu không có bằng chứng ông Obama nghe trộm điện thoại ở Tháp Trump, sự tín nhiệm dành cho Tổng thống Trump sẽ bị sụt giảm mạnh. Ngược lại, nếu có bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Obama cho phép giám sát ông Trump và các cộng sự, điều đó có nghĩa là Washington có lý do để nghi ngờ về mối liên hệ của họ với Nga.
AP cho hay ông Trump dường như đưa ra cáo buộc trong cơn nóng giận. Ông đã yêu cầu các nhà lập pháp điều tra cáo buộc, sau đó các nhà lập pháp yêu cầu Bộ Tư pháp cung cấp bằng chứng về vụ nghe lén điện thoại.
Tuy nhiên, bộ này bỏ lỡ thời hạn chót hôm 13-3 sau khi không cung cấp được thông tin cho hạ viện, đồng thời xin gia hạn thêm 1 tuần.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người đứng đầu Tiểu ban Tội phạm và Khủng bố của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, nói rằng FBI sẽ tổ chức một cuộc họp ngắn gọn về vấn đề này nhưng chưa rõ thời điểm. Còn theo Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, các giám đốc FBI (Cục Điều tra liên bang) và NSA (Cơ quan An ninh quốc gia) sẽ phải ra điều trần vào tuần sau về vấn đề này.
Kể từ khi đưa ra những cáo buộc hôm 4-3, ông Trump rất ít khi nhắc tới chúng, thay vào đó để các trợ lý của mình giải thích. Nhà Trắng hôm 13-3 dường như làm giảm tính chất nghiêm trọng của những cáo buộc. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết Tổng thống Trump có ý nói “các hoạt động giám sát chung có thể đã được chính quyền Tổng thống Obama chấp thuận”.
Sau đó 1 ngày, ông Spicer thông báo nhà lãnh đạo Mỹ “rất tin tưởng” Bộ Tư pháp sẽ cung cấp bằng chứng để chứng minh những cáo buộc của mình. Trả lời phỏng vấn trên đài Fox News tối 15-3, ông Trump tuyên bố: “Tôi nghĩ mọi người sẽ nhìn thấy một vài điều thú vị trong vòng 2 tuần tới”.
Trong cuộc phỏng vấn trên Fox News hôm 15-3, ông Trump cũng đưa ra những phản ứng đầu tiên về bản kê khai thuế năm 2005 vừa bị rò rỉ, mô tả đó là một “nỗi hổ thẹn” và hành động “bất hợp pháp”. “Tôi không biết họ đã lấy nó ở đâu nhưng điều đó là bất hợp pháp. Họ lẽ ra không nên sở hữu và rò rỉ bản kê khai đó” – ông Trump lên án.
Trước đó, nhà báo Rachel Maddow của đài MSNBC tiết lộ bà đã nhận được bản kê khai thuế năm 2005 của ông Trump. Bản kê khai do nhà báo David Cay Johnston (từng đoạt giải Pulitzer danh giá) cung cấp. Ông Johnston nhận được chúng từ một nguồn tin không xác định gửi tới địa chỉ email của mình.
Nhà Trắng đã xác nhận trong năm 2005, ông Trump báo cáo thu nhập 150 triệu USD và đóng thuế 38 triệu USD, cộng thêm thuế doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế lao động. Tổng thu nhập thực tế của ông Trump năm đó lên tới 253 triệu USD nhưng ông khai lỗ tới 103 triệu USD.
Hãng tin AP dẫn số liệu của Ủy ban Hỗn hợp về Thuế vụ của Quốc hội Mỹ cho biết sau khi khai lỗ, ông Trump đóng thuế ở mức 24,5%. Tỉ lệ này cao hơn mức 10% mà người Mỹ đóng trung bình mỗi năm nhưng thấp hơn nhiều so với mức 27,4% mà người kiếm được 1 triệu USD/năm phải nộp.
Bình luận (0)