Chính phủ Nhật Bản hy vọng đây sẽ là mô hình tận dụng khả năng của robot để giúp giải quyết tình trạng dân số già và lực lượng lao động sụt giảm.
Cho phép robot chăm sóc người già - một công việc được xem là cần có bàn tay con người - có thể là ý tưởng gây sốc đối với phương Tây.
Thế nhưng, nhiều người Nhật có cái nhìn tích cực về robot, phần lớn là do chúng được giới truyền thông mô tả là thân thiện và có ích.
"Những robot này rất tuyệt. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người sống một mình, vì vậy robot có thể trở thành người tâm tình và khiến cuộc sống của họ vui vẻ hơn" - cụ ông Kazuko Yamada, 84 tuổi, nói sau khi tham gia một khóa luyện tập với robot Pepper của Công ty SoftBank Robotics Corp.
Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố cản trở sự phổ biến của robot chăm sóc người già, như chi phí cao, sự an toàn và những nghi ngờ về tính hữu ích, thân thiện của robot.
Cư dân của một nhà dưỡng lão tại Nhật tập thể dục theo robot. Ảnh: REUTERS
Bất chấp những cố gắng của Tokyo trong việc cho phép nhân công nước ngoài tham gia dịch vụ chăm sóc người già, những trở ngại trong ngành nghề này vẫn tồn tại, nổi bật là những kỳ thi bằng tiếng Nhật.
Tokyo cũng tạo ra loại thị thực chăm sóc điều dưỡng vào năm 2016 nhưng đến cuối năm 2017 chỉ mới có 18 người nước ngoài được cấp.
Chính vì vậy, Nhật Bản đã tài trợ việc phát triển robot để hỗ trợ tình trạng thiếu hụt khoảng 380.000 nhân công vào năm 2025, đồng thời nhắm đến mục tiêu lớn hơn: xuất khẩu robot đến những quốc gia đang hoặc sắp đối mặt thách thức nhân khẩu học tương tự, như Đức, Trung Quốc, Ý…
Bình luận (0)