Lý giải cho hành động này là do “ông trùm” hy vọng sẽ được đối xử tốt hơn tại nhà tù xứ người.
Guzman, người đã hai lần vượt ngục khỏi nhà tù có an ninh nghiêm ngặt nhất Mexico, bị bắt hồi tháng 1-2016, tức 6 tháng sau lần vượt ngục gần đây nhất của ông ta.
Chính phủ Mexico tuyên bố họ sẽ nhanh chóng làm thủ tục để dẫn độ Guzman sang Mỹ.
Trùm ma túy “El Chapo”. Ảnh: REUTERS
Trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới này ban đầu tiến hành rất nhiều bước đi pháp lý để ngăn chặn việc dẫn độ xảy ra. Tuy nhiên, giờ đây các luật sư của Guzman cho biết hắn đã quá thất vọng với cách đối xử ở nhà tù Mexico nên mong muốn được ra đi.
“Ông ấy bảo chúng tôi làm tất cả những gì có thể để chấm dứt tình trạng này lại. ‘Tôi chỉ muốn họ để yên cho tôi ngủ’, ông ấy nói như thế và bảo tôi ‘cố tìm cách để có thể được dẫn độ nhanh nhất, thử nói chuyện với chính phủ Mỹ xem’” - một trong các luật sư, Jose Refugio Rodriguez, trả lời phỏng vấn trên đài radio địa phương.
Guzman cũng than phiền về thời gian được cho phép nói chuyện với gia đình và về việc phòng giam quá lạnh, các luật sư nói thêm.
Cũng theo luật sư trên, thân chủ ông sẵn sàng nhận bất kỳ tội danh nào ở Mỹ miễn là Washington cam kết một bản án ngắn và cho giam ông tại một nhà tù có an ninh không qua gắt gao.
Luật sư thứ hai, Juan Pablo Badillo, cho biết thêm quá trình dẫn độ sẽ cần nhiều thời gian: “Kể từ khi tôi được phép nói chuyện với ông Guzman từ hôm 15-2, ông ấy nói ông sẽ phân tích làm cách nào để chúng tôi có thể bắt đầu quá trình này. Chắc chắn là nó sẽ phải tuân theo một thỏa thuận với phía Mỹ”.
Dù vậy, ông David Weinstein, cựu công tố viên liên bang Mỹ, nhận định vẫn còn quá sớm để nói về chuyện hai bên đạt một thỏa thuận nào đó. Ngoài ra, những đòi hỏi trên cho thấy một sự thiếu hụt kiến thức về tiến trình pháp lý ở Mỹ.
Theo ông Weinstein, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Mỹ không được phép thương thảo với những kẻ đào tẩu hoặc bị truy nã nếu họ không ở trên lãnh thổ nước này. Vì thế, bất kỳ cuộc thảo luận nào chỉ có thể diễn ra sau khi trùm ma túy Guzman bị dẫn độ đến Mỹ.
Ngoài ra, ngay cả khi ông ta chịu hợp tác với các công tố viên Mỹ, thì chỉ có thẩm phán mới có tiếng nói cuối cùng về bản án. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà tù sẽ quyết định xem ông ta thi hành bản án ở đâu.
Mafia Ý kiếm nhiều tiền ngang hãng xe Fiat
Hôm 2-3, văn phòng điều tra chống mafia cho biết các băng đảng xã hội đen kiếm đươc rất nhiều tiền từ việc buôn lậu ma túy tại Ý, ngang với doanh số bán hàng của hãng xe Fiat. Có điều, bọn chúng không phải đóng thuế.
Dẫn số liệu của Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc, các công tố viên cho biết bọn tội phạm có tổ chức kiếm được hơn 34,7 tỉ USD mỗi năm từ hoạt động mua bán ma túy ở Ý.
“Điều này cũng tương tự với việc hãng sản xuất xe hơi quốc gia (Fiat) cùng với các nhà cung cấp, nhà cung cấp dịch vụ và đại lý của họ buôn bán xe rồi tái đầu tư mà không phải trả bất kì đồng thuế nào. Có điều có một khác biệt nhỏ là lợi nhuận của bọn buôn lậu ma túy cao hơn ít nhất 10 lần so với bất kì nhà sản xuất công nghiệp nào” – trích báo cáo hàng năm của văn phòng điều tra chống mafia.
Báo cáo này so sánh với doanh số bán hàng của hãng xe Fiat tại Ý, không phải của cả tập đoàn Fiat Chrysler trên toàn thế giới.
Bình luận (0)