"Cứ đến phố ẩm thực nói vài câu tiếng Việt sẽ có người hiểu và trả lời lại. Những người này là các cô dâu Việt Nam sinh sống lâu năm ở Malaysia. Chú thèm ăn món nào, các chị em cũng nấu được để đãi đồng hương" - chị Hồ Mai Trang (40 tuổi) cam đoan với tôi.
Những cô dâu Việt làm chủ
Chị Trang cho biết TP Penang có đông người Việt sinh sống, ước chừng trên 2.000 người và một nửa số đó là các cô dâu Việt. Ngoài ra, khắp 13 bang và 3 vùng lãnh thổ ở Malaysia đâu đâu cũng có bóng dáng người Việt.
Để chứng minh lời mình nói, chị Trang chở chúng tôi đến một khu chợ đêm nổi tiếng tại TP Malacca. Tại đây có gần 60 sạp hàng với nhiều món ăn phong phú. Cứ đi chừng 6-7 sạp lại thấy có sạp do chị em người Việt làm chủ. Xen kẽ những món ăn của Malaysia, người Hoa là cơm tấm, phở, bánh mì, bún mắm…
Chúng tôi ghé vào một ki-ốt rộng hơn 20 m2, phía trước có một tấm bảng viết rõ nét: "Ở đây em bán cà phê Sài Gòn, bánh tráng trộn và nhiều món ăn Việt Nam. Cả nhà ghé ủng hộ em". Bảng hiệu toàn tiếng Việt nhưng khách chủ yếu lại là người Malaysia xếp hàng đợi mua. Chủ sạp là chị Mai Cẩm Tú, 35 tuổi, quê Tây Ninh.
Chị Mai Cẩm Tú và chồng tại cửa hàng bán bánh tráng trộn, cà phê Việt Nam
Con đường lập nghiệp của chị Tú ở Malaysia không mấy thuận lợi. Chừng 10 năm trước, chị được một người bạn thân giới thiệu sang Malaysia làm việc với hy vọng đổi đời.
Tuy nhiên, vừa xuống sân bay ở thủ đô Kuala Lumpur, chị phát hiện mình là nạn nhân của đường dây môi giới hôn nhân. Chị bị một số người lạ mặt chở bằng ôtô về một căn phòng tập thể cách thủ đô hơn 3 giờ chạy xe.
"Một phụ nữ người Việt nói nếu không chịu kết hôn với đàn ông theo danh sách họ đưa thì phải đền bù gần 100 triệu đồng" - chị Tú nhớ lại.
Không muốn lấy người xa lạ chẳng có tình cảm nên chị Tú lén trèo tường bỏ trốn. Trong lúc lang thang thì may mắn gặp được những cô dâu Việt ở chợ đêm và được họ cho tá túc rồi tìm việc làm giúp.
Sau một năm phụ việc cho quán ăn, chị được một người đàn ông Malaysia gốc Hoa để ý và tỏ tình. Dù người này lớn hơn chị 24 tuổi và trải qua một đời vợ nhưng chị vẫn gật đầu vì cảm thấy anh thật lòng.
Sau đám cưới, chị Tú thui thủi ở nhà chăm mẹ chồng bị tai biến và lo cho 2 đứa con nhỏ. Được một số cô dâu Việt gợi ý nên tự ra ngoài làm ăn để chủ động tài chính, chị Tú nảy ý định bán món nổi tiếng quê mình, đó là bánh tráng muối Tây Ninh!
Tất cả nguyên liệu chị nhờ bà con ở quê nhà gửi qua đây. "Nhờ mở quán ăn mà từ việc sống nhờ vào đồng lương của chồng bây giờ em thành trụ cột kinh tế gia đình" - chị Tú kể. Chị vừa dứt lời thì chồng chị chở một bao hành tím đến cửa hàng. Không kịp nghỉ ngơi, anh vội lột vỏ hành để kịp cho vợ bán hàng.
Chị Tú nói: "Nhờ các chị em người Việt giúp đỡ mà nay tôi buôn bán khấm khá. Hơn nữa, nhờ buôn bán mà tôi có dịp gặp gỡ người Việt nhiều hơn, trò chuyện để bớt đi nỗi nhớ quê".
Ở chợ đêm tại TP Malacca (Malaysia) có rất nhiều cô dâu Việt Nam bán nhiều món ăn địa phương
Hoạn nạn có nhau
Câu chuyện của Nguyễn Thị Cẩm Tiên (24 tuổi, quê Sóc Trăng) không kém phần éo le. Năm 2017, mía rớt giá, gia đình cô lâm vào cảnh nợ nần. Thấy nhiều bạn cùng lứa ra nước ngoài làm việc, cô thỏ thẻ với mẹ: "Con sang quán ăn của dì hai ở Malaysia để có tiền phụ mẹ lo cho em".
Khi cả ba và mẹ gật đầu, Tiên ôm vài bộ quần áo sang Kuala Lumpur. Cô vừa chạy bàn, rửa chén vừa bán hàng trên mạng để tích góp gửi về quê. "Cực vậy nhưng tháng nào gửi về quê hơn 3 triệu đồng là tôi mừng rơi nước mắt" - Tiên nhớ về những ngày tháng đầu ở xứ người.
Một lần phơi quần áo ở ban công, chẳng may Tiên bị té từ lầu 4 xuống đất. Cô bị đa chấn thương nghiêm trọng, gãy toàn bộ đốt sống cổ và xương sống. Bác sĩ nói muốn mổ phải có 240 triệu đồng nhưng tỉ lệ thành công của ca mổ lại không cao.
Câu chuyện của Tiên được cộng đồng người Việt ở Malaysia và cả người trong nước biết đến. Mọi người quyên góp và giúp cô toàn bộ viện phí.
Thời gian Tiên nằm viện, một người bạn Malaysia tên Swee Chong Lim thường xuyên lui tới chăm sóc. Những lúc cô nằm bất động một chỗ, anh đút từng muỗng cháo, giúp cô tập vận động trở lại. Tiên thầm nghĩ: "Mình bị liệt, người ốm yếu mà anh ấy vẫn ở bên chăm sóc".
Rồi cả hai đến với nhau bằng tình yêu chân thành. Ở với nhau, ngày nào Swee Chong Lim cũng hướng dẫn vợ tập luyện cho đến khi đi lại bình thường. Tiên sinh cho chồng một bé gái, cả hai đặt tên con là Trà Sữa. Cái tên này, theo lời Tiên, dễ dàng dịch sang tiếng Hoa và Malaysia.
Mỗi sáng, chồng loay hoay bên tiệm sửa ôtô, Tiên lui cui nấu nướng vừa để ở nhà ăn vừa dư một chút rồi đăng lên hội nhóm người Việt ở Malaysia bán kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy, Tiên có đủ tiền tự mua sữa cho con. Cuối tuần, cô nhận giặt đồ mướn, dọn dẹp nhà cho các gia đình xung quanh.
Đôi tay hiện tại đầy vết chai sạn, trên lưng cũng chi chít sẹo sau cú ngã từ nhiều năm trước nhưng Tiên tâm niệm rằng: "Việt Nam là nơi sinh em ra nhưng Malaysia là nơi giúp em sống trở lại. Em yêu mảnh đất này vì tình cảm của những người đồng hương đã giúp em vượt qua tai nạn trước đó".
Lừng danh chợ đêm
Chị Nguyễn Thị Thảo (38 tuổi, quê An Giang) cũng sang TP Malacca làm giúp việc trong nhà hàng. Được một thời gian, chị được đồng hương giới thiệu cho một người Malaysia gốc Hoa để kết hôn. Thấy người này có vẻ hiền lành, chị Thảo gật đầu.
Chị Nguyễn Thị Thảo
Không may là sau 8 năm chung sống và có với nhau 1 đứa con, chồng chị đột quỵ qua đời. Chị Thảo phải tìm mọi cách mưu sinh để nuôi con ăn học.
"Chồng mất, tôi gần như không còn tiền sinh hoạt, vì mọi chi tiêu đều do anh cáng đáng. Cuối cùng, thấy nhiều cô dâu Việt mở quán ăn ổn định, tôi cũng liều một phen ra đăng ký quầy hàng ở phố ẩm thực. Nào ngờ thành công" - chị Thảo tâm sự.
Sự thành công của chị nổi tiếng đến mức khi nhắc đến chợ đêm Ximalin, người ta nghĩ ngay đến quầy súp Bak Kut The - món đặc sản của Malaysia - mà chị đứng bán.
Bình luận (0)